1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

4.000 dân phản đối một dự án

(Dân trí) - Nằm lọt giữa khu dân cư đông đúc khoảng 1.000 hộ dân cùng 2 đơn vị bộ đội, khu tổ hợp sản xuất công nghiệp mạ, sơn tĩnh điện, sản xuất thép... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cho khu vực phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của người dân, dự án vẫn được cho xây dựng.

Một dự án “phá” quy định và trái lòng dân

 

Ông Nguyễn Ngọc Linh, nguyên Phó Tư lệnh binh chủng hoá học, Bộ quốc phòng, trưởng ban công tác mặt trận tổ 16 phường Phúc Đồng bày tỏ nỗi bức xúc với PV Dân trí: “Việc xây dựng khu sản xuất công nghiệp giữa một khu dân cư đông đúc là không thể chấp nhận được và trái với chủ trương của UBND TP Hà Nội (di dời các khu sản xuất công nghiệp ra khỏi khu tập trung đông dân cư để đảm bảo môi trường và sức khoẻ cho người dân). Thế nhưng dự án này vẫn được thực hiện từ hơn một năm nay. Chúng tôi gửi đơn kêu cứu đến nhiều các cơ quan chức năng nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết”.

 

Theo tìm hiểu, trước đây khu tổ hợp sản xuất công nghiệp của Trung tâm Quản lý dịch vụ kĩ thuật bay (TTQLDVKTB) nằm ở đầu phía tây của sân bay dân dụng Gia Lâm. Sau đó được di dời mở rộng xuống khu vực phía đông sân bay, giáp với khoảng 1.000 hộ dân hiện đang sinh sống tại đây.

 

Trong công văn của Cục hàng không VN do Cục trưởng Nguyễn Tiến Sâm ký gửi TTQLDVKTB nêu rõ: Việc di dời khu xưởng sản xuất cơ khí hiện có ra khỏi khu vực cơ quan văn phòng của trung tâm là cần thiết, để đảm bảo vệ sinh môi trường cho người lao động.

 

Như vậy có thể hiểu rằng, để đảm bảo sức khoẻ cho cán bộ nhân viên của TTQLDVKTB, 4.000 người dân khác phải “hy sinh” sức khỏe của mình?

 

Bác sĩ Đồng Quốc Hẩm thuộc ban bảo vệ sức khoẻ cán bộ TƯ, đang sinh sống tại khu dân cư cho biết, theo thiết kế dự án của khu tổ hợp sản xuất công nghiệp này, nếu đi vào sản xuất một tháng sẽ phải tiêu thụ khoảng 3 tấn sơn, 1 tấn hoá chất, chưa kể đến vấn đề sản xuất thép thì số lượng khí, chất thải sẽ là rất lớn mà chính những hộ dân quanh khu vực sẽ phải hứng chịu. Hơn nữa nguồn nước thải của những xưởng sản xuất này sẽ thải ra con mương lộ thiên ngay cạnh khu dân cư.

 

“Môi trường ở đây chắc chắn sẽ bị ô nhiễm. Người dân nơi đây không ai muốn trở thành cư dân của những ngôi làng ung thư như ở Phú Thọ, Nghệ An...”, ông Hẩm cương quyết.

 

Trong một công văn khác của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội gửi TTQLDVKTB, xác định rõ: Khu đất hiện nay thuộc khu vực nội thành, vì vậy tại đây chỉ bố trí công nghiệp sạch (lắp ráp điện tử, cơ khí chính xác), không nên bố trí các hạng mục gây ô nhiễm môi trường (như xưởng mạ).

 

Chính quyền phường bị gạt ra ngoài

 

Từ tháng 5/2006, dự án xây khu tổ hợp sản xuất công nghiệp được Ban Quản lí dự án TTQLDVKTB thực hiện triển khai trên diện tích đất khoảng 9.000m2. Một sự án không hề nhỏ nhưng chính quyền phường lại không hề hay biết. Chính quyền chỉ “ngớ người” khi dự án được thực hiện và có khiếu nại của người dân.

 

Trao đổi với Dân trí sáng 19/11, ông Hoàng Trọng Sủi, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Đồng, giải thích: Do trước đây khu đất thực hiện dự án nằm trong sự quản lí của bên quân đội nên UBND phường không hề nắm được dự án này.

 

Tuy nhiên, với chức năng của phường, ông Sủi cho biết đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng, nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một cơ quan nào đứng ra đảm bảo khu sản xuất công nghiệp này không gây ô nhiễm môi trường, trừ bản cam kết về đảm bảo môi trường của TTQLDVKTB.

 

Hiện tại khu tổ hợp sản xuất công nghiệp chưa đi vào hoạt động nên không thể đánh giá được tác động môi trường, nhưng dự án đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của hàng nghìn hộ dân. Thiết nghĩ BQL dự án, các cơ quan chức năng nên “để mắt” tới nỗi bức xúc của dân. Không thể gạt chính quyền phường và hàng nghìn hộ dân ra khỏi một dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn sức khỏe và đời sống của họ.

 

Quan điểm của UBND phường, dự án tổ hợp sản xuất công nghiệp này phải đảm bảo vệ sinh môi trường, nếu không phường sẽ kiên quyết đình chỉ sản xuất.

 

Tuấn Hợp