1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

4 sai phạm liên quan Công ty Lã Vọng chưa được Hà Nội xử lý xong

Thế Kha

(Dân trí) - Việc xử lý các sai phạm liên quan đến Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên, đến nay còn 4 nội dung UBND TP Hà Nội chưa thực hiện xong.

Thanh tra Chính phủ vừa báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kết quả xử lý sau thanh tra Kết luận thanh tra số 2008/2019 đối với các dự án của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội.

Từ kết quả theo dõi, đôn đốc và báo cáo thực hiện của Hà Nội, Thanh tra Chính phủ khẳng định đến nay còn 4 nội dung UBND TP Hà Nội chưa thực hiện xong.

4 sai phạm liên quan Công ty Lã Vọng chưa được Hà Nội xử lý xong - 1

Trụ sở UBND TP Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Trường).

Đối với kiến nghị xử lý tại Dự án Cải tạo môi trường hồ Đầu Băng (quận Long Biên), UBND TP Hà Nội cho biết đang chỉ đạo hoàn thiện thủ tục đầu tư, quyết toán dự án để xác định số tiền ngoài ngân sách hỗ trợ của nhà đầu tư.

Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới chưa hoàn thiện hồ sơ quyết toán giải phóng mặt bằng và phê duyệt quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1.

Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND quận Long Biên phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư giai đoạn 1 của dự án và Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt quyết toán khối lượng xây lắp hoàn thành trong năm 2023.

Tại dự án Cải tạo và xây dựng Hệ thống cống nối hồ Vục, hồ Đầu Băng, hồ Tư Đình theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), kết luận của Thanh tra Chính phủ yêu cầu khẩn trương phê duyệt điều chỉnh dự án để tiếp tục triển khai thi công công trình theo tiến độ.

Rà soát lại phương án giải phóng mặt bằng để phê duyệt theo đúng quy định. Qua điều chỉnh rà soát xác định lại nghĩa vụ tài chính để điều chỉnh hợp đồng BT và thực hiện thanh, quyết toán đúng quy định của pháp luật.

Hà Nội cho biết đã có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, kiểm tra các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo (bao gồm rà soát việc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước về trình tự, thủ tục thực hiện, cập nhật lại tổng vốn đầu tư dự án, quỹ đất thanh toán...).

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án theo chỉ đạo của Hà Nội. Hiện nhà đầu tư đang phối hợp với đơn vị tư vấn để chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. 

Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở 14,5ha tại khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (đối ứng Dự án cải tạo xây dựng Hệ thống cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, quận Long Biên), thanh tra yêu cầu hoàn thiện thủ tục về đất đai và đầu tư xây dựng với hai con đường có diện tích 0,67ha, kết nối giao thông trong khu quy hoạch 30,5ha được duyệt theo quy định.

Yêu cầu nhà đầu tư nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước số tiền trên 44 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng chưa tách khỏi dự án BT. Căn cứ quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án BT để xác định nghĩa vụ tài chính nhà đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật. 

Thanh tra Chính phủ dẫn báo cáo của Hà Nội cho thấy, đến nay việc thực hiện thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng đối với diện tích thực hiện hai đoạn tuyến đường vẫn vướng mắc do các hộ dân không hợp tác điều tra, kiểm đếm. Vì thế, nhà đầu tư chưa đủ điều kiện triển khai thi công ngoài hiện trường.

Về yêu cầu nhà đầu tư nộp bổ sung số tiền trên 44 tỷ đồng vào ngân sách, thanh tra cho biết sau khi dự án BT có quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, nhà đầu tư sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước của dự án BT cùng với khoản kinh phí trên 44 tỷ đồng. 

4 sai phạm liên quan Công ty Lã Vọng chưa được Hà Nội xử lý xong - 2

Quy hoạch Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ được ví như "hòn ngọc xanh" nằm ở cửa ngõ Hà Nội (Ảnh: Bất động sản).

Đối với Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), kết luận thanh tra kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai kiểm tra các hộ lấn chiếm để giải phóng mặt bằng dự án; xử lý theo quy định của pháp luật những hộ, cá nhân lấn chiếm, mua bán, xây dựng không phép vi phạm pháp luật. 

Hà Nội đã chỉ đạo quận Hoàng Mai có các văn bản yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội Quản lý trật tự xây dựng và UBND phường Thịnh Liệt thực hiện kiến nghị nêu trên.

Đến nay, UBND phường Thịnh Liệt và Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hoàng Mai đã tổ chức họp làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng giai đoạn 2011 - 2019.

Hiện UBND quận Hoàng Mai đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ. Đối với khu vực này đã tổ chức điều tra đo đạc, thông báo thu hồi đất cho 73 hộ gia đình; đã lập và phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho 39 hộ.

Quận chỉ đạo UBND phường Thịnh Liệt và Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật.

Từ kết quả đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Hà Nội khẩn trương thực hiện dứt điểm các nội dung kết luận, kiến nghị đến nay vẫn chưa thực hiện xong và ý kiến chỉ đạo xử lý sau thanh tra của Thủ tướng Chính phủ.

Tại dự án Trụ sở làm việc (cơ sở 2) và căn hộ chung cư kết hợp thương mại tại Xa La, phường Phúc La (quận Hà Đông), kết luận thanh tra kiến nghị liên danh Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển thủy lợi Sông Nhuệ và Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới thực hiện hoàn thành quyết toán công trình, phân chia lợi nhuận theo hợp đồng, thực hiện việc đánh giá lại giá trị tài sản khi bàn giao 3.000m2 sàn, 500m2 tầng hầm làm căn cứ xác định giá trị bảo toàn vốn Nhà nước.

Cuối năm 2021, Công ty Sông Nhuệ và Công ty Ngôi Nhà Mới ký biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng dự án.

Giá trị tài sản của Công ty Sông Nhuệ tại thời điểm đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đã được đánh giá lại và được UBND TP Hà Nội chấp thuận vào năm 2014. Tài sản cố định hình thành qua đầu tư của công ty là tài sản được đầu tư xây dựng mới, giá trị tài sản là chi phí đầu tư xây dựng công trình đã được đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Theo đó, giá trị tài sản hình thành qua đầu tư trên 28 tỷ đồng.

Theo UBND TP Hà Nội, tài sản thực tế nhận bàn giao trên 3.000m2 sàn và 500m2 tầng hầm của Công ty Sông Nhuệ không thuộc trường hợp phải đánh giá lại tài sản tại thời điểm bàn giao theo quy định của Bộ Tài chính.