4 luật đòi tăng tuổi hưu trong một kỳ họp!
(Dân trí) - Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi bị nhiều đại biểu Quốc hội bác bỏ. Các đại biểu còn chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH do quản lý yếu kém, nợ đọng, cho vay không đúng đối tượng hàng ngàn tỷ đồng.
Tại buổi thảo luận ngày 16/6 về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi của Quốc hội, nhiều đại biểu chỉ rõ, hiện còn gần 5.000 tỷ đồng nợ BHXH chưa thu hồi được. Ngoài ra, ngành này còn cho Công ty thuê tài chính II (vốn không thuộc đối tượng được vay) vay hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, lãi chưa thấy đâu mà gốc thì có khả năng mất trắng 770 tỷ đồng.
Cho vay không đúng đối tượng
Đóng góp ý kiến cho Luật BHXH, đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP. HCM) cho biết, vấn đề cấp bách phải làm ngay hiện nay là khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH của nhiều doanh nghiệp, công ty, người sử dụng lao động. Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết, số tiền nợ đó lên tới gần 5.000 tỷ đồng, riêng năm 2013 có 521 doanh nghiệp nợ trên 1.600 tỉ đồng. “Số tiền nợ này khá lớn, đề nghị bảo hiểm xã hội cần có giải pháp tịch cực để quỹ bảo hiểm xã hội phát triển bền vững”, đại biểu Phụng nêu.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Phụng còn chỉ rõ từ Báo cáo của Quỹ BHXH trong giai đoạn 2008 - 2009 đã cho Công ty cho thuê tài chính II vay số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó từ giữa 2009 tới nay không còn khả năng trả lãi và vẫn còn 773 tỉ đồng. Theo đại biểu, đây là số tiền gốc, chưa tính lãi lẽ ra quỹ phải thu về, trong khi đó khả năng trả nợ thấp.
“Báo cáo số tiền không có khả năng thu hồi lớn như vậy nhưng chưa thấy ai là người có trách nhiệm hoàn trả, bồi thường số tiền đó. Theo quy định thì BHXH chỉ được cho phép ngân hàng thương mại của nhà nước vay vốn nhưng cho công ty cho thuê tài chính II không thuộc đối tượng này, cần làm rõ báo cáo cho Quốc hội và cử tri rõ”, đại biểu Nguyễn Văn Phụng đề nghị.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, chính quy định quản lý nhà nước bị “chia cắt” nên việc quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến những sai phạm nhất định tại BHXH Việt Nam. Cụ thể là việc cho Công ty thuê tài chính II - vốn không thuộc đối tượng được vay thì lại được vay hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, lãi chưa thấy đâu mà gốc thì có khả năng mất trắng 770 tỷ đồng.
“Điều đáng nói là việc cho vay có biểu hiện của tội cố ý làm trái và hậu quả mang lại không phải là nhỏ nhưng chỉ bị xử lý hành chính với 2 án kỷ luật cảnh cáo và 2 án khiển trách. Giờ quy định trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước nào là điều rất khó, tôi đề nghị cần xem xét sửa đổi Điều 93 và xác định lại vị trí của BHXH, với tư cách là một đơn vị có chức năng quản lý nhà nước tương đương tổng cục thì sẽ hiệu quả hơn”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
4 luật đòi tăng tuổi hưu trong 1 kỳ họp
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật BHXH, nhằm khắc phục nguy cơ mất cân bằng quỹ và từng bước cải thiện mức hưởng lương hưu. Theo đại biểu, tuổi hưu thấp dẫn tới thời gian đóng ngắn nhưng thời gian hưởng dài do tuổi thọ trung bình ngày càng tăng hiện đang là mâu thuẫn. Vì thế rất cần phải điều chỉnh nâng thời gian làm việc của người lao động.
Về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cũng đồng tình việc nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động có trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó cần quy định việc xử lý hành chính, xử lý hình sự, khởi kiện doanh nghiệp ra tòa liên quan đến việc nợ bảo hiểm xã hội.
Ở chiều nước lại, đại biểu Lê Thành Nhơn (Bình Dương) cho rằng, tuổi nghỉ hưu đã được quy định trong Luật Lao động có hiệu lực trong năm 2013, không hiểu sao lại đưa vào Luật BHXH. “Theo tôi Luật BHXH chỉ cần bàn những điều kiện được nghỉ hưu. Hơn nữa, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo chưa thuyết phục”, đại biểu Nhơn nói.
Đai biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũ Tàu) cũng nhận thấy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là chưa hợp lý. “Việc vỡ quỹ BHXH là do nhiều nguyên nhân như tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp, không thu được quỹ, bộ máy cồng kềnh chứ không chỉ do tuổi lao động thấp. Do vậy, nếu tuổi nghỉ hưu tăng lên sẽ làm tăng thêm áp lực về việc làm và giảm cơ hội phát triển đối với lao động trẻ”, đại biểu Ngân lo ngại.
Trong khi đó, đại biểu Cù Thị Hậu (Hải Dương) cho rằng, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Lao động, do vậy, đây là luật gốc để điều chỉnh các đối tượng hoạt động và trong kỳ họp này Luật BHXH là luật thứ tư có đề cập đến tăng tuổi (trước đó có Luật Tổ chức Tòa án, Viện kiểm sát, Công chứng).
“Trong một kỳ họp có tới 4 luật đề xuất tăng tuổi hưu, sẽ dẫn tới không thực thi nghiêm quy định của Bộ Luật lao động. Tuổi nghỉ hưu nên thực hiện theo điều 187 Bộ Luật lao động, quy định nên thực hiện nâng tuổi hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý, có thể điều chỉnh nhưng phải có hướng dẫn”, đại biểu Cù Thị Hậu đề nghị.
Nói về Luật BHXH, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, việc tăng tuổi nghỉ hưu là tính trên nguyên tắc đảm bảo ổn định và trách nhiệm lâu dài đối với quỹ BHXH. Bà Chuyền cũng xin tiếp thu những ý kiến của đại biểu đóng góp cho dự luật này.
Quang Phong