1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

37 năm cống hiến, về nghỉ hưu lương vẫn không đủ sống

(Dân trí) - Cho ý kiến về điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cho rằng, khi về hưu nhiều người được nhận lương hơn 1 triệu đồng không giải quyết được việc gì, còn cán bộ cao cấp 37 năm công hiến sau đó về nghỉ cũng chỉ được lương vài triệu không đủ sống.

Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Đóng bảo hiểm 20 năm, hưởng lương hưu... 243.000 đồng/tháng
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phải phân tích rõ công nhân đóng bảo hiểm 20 năm được hưởng lợi gì

Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cho rằng, khi về hưu nhiều người được nhận lương hơn 1 triệu đồng không giải quyết được việc gì, còn cán bộ cao cấp, 37 năm công hiến sau đó về nghỉ cũng chỉ được lương vài triệu không đủ sống. “Vận động, làm tư tưởng gì chăng nữa, 43/47 nơi phản ứng là lớn. Chúng ta cần cho người lao động hiểu tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng gì?”, ông Hùng nói.

Tán thành sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam  (đại biểu TPHCM) cho rằng, nên tạo điều kiện để người lao động được lựa chọn hưởng một lần hoặc tích lũy đến khi về hưu. Lý giải tại sao người lao động lại phản ứng về điều luật này, ông Hải cho biết, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất khắc nghiệt. Hơn nữa, người lao động phải dịch chuyển chỗ làm rất nhiều lần và rất ít người có điều kiện để về hưu.

“Vậy có phải người lao động không hiểu được nhận trợ cấp một lần thì thiệt thòi hơn là tới khi về hưu? Họ hiểu cả, nhưng họ vẫn lựa chọn như vậy”, đại biểu Hải nói.

“Lương hưu bèo bọt thì làm sao khuyến khích người dân đóng bảo hiểm xã hội để nhận tiền hưu khi về già? Tôi đề nghị ngoài sửa đổi điều 60 phải sớm thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề căn bản về tiền lương cho người lao động”, đại biểu Trần Thanh Hải nêu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, nhiều cử tri đặt vấn đề xem lại cách làm luật của Quốc hội. Vì sao một số điều luật Quốc hội thông qua gần đây tính khả thi không cao, dễ bị đối tượng chịu tác động của luật phản ứng. Đại biểu cho rằng, đây là ý kiến đáng lắng nghe vì nhiều luật chưa kịp thi hành đã bị phản ứng.

“Phản ứng của công nhân như vậy, tôi thấy còn có một tín hiệu vui, vì đó là phản ứng để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là cách phản ứng chống lại sự áp đặt về chính sách với họ” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, người làm luật không được áp đặt mà phải tạo điều kiện cho người chịu tác động lựa chọn các phương án. “Vấn đề lương hưu cần khảo sát thật kỹ, không được tước đoạt quyền chọn lựa của người lao động”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) cũng đồng tình sửa đổi điều 60 để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Khi chứng kiến công nhân phản ứng, đại biểu Dung cảm thấy có lỗi, xấu hổ với họ. Do vậy, đại biểu Dung đề nghị Quốc hội cầu thị trong việc sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.

“Bảo hiểm xã hội là vấn đề nhỏ, mà chính sách với người lao động mới là vấn đề lớn. Phải có chính sách toàn diện với người lao động chứ không phải người lao động phản ứng đến đâu lo đến đấy. Hưởng lương một lần người lao động thiệt thòi, phải bảo tồn nguồn người ta đóng góp không để người ta thiệt thòi như vậy. Chính sách hiện nay đóng 5 đồng chỉ nhận được 4 đồng rưỡi thôi là không công bằng”, đại biểu Võ Thị Dung phân tích.
 
Bài học từ chế độ "về một cục"

Đồng tình với đề xuất sửa Điều 60 của Chính phủ nhằm giải quyết nguyện vọng cho dân nhưng Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá) cho rằng, về lâu dài vẫn phải tiến tới thực hiện quy định này vì nội dung điều luật rất đúng đắn, nhân văn. Vấn đề, theo ông Thăng là cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của việc này.

Ông Thăng dẫn lại việc trước đây Nhà nước ra quyết định 176 quy định những người lao động nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp thôi việc một lần... Thế nhưng, vào thời điểm ấy, khi lấy “một cục” người lao động cũng được rất ít, sau khi tiêu hết khoản tiền đó thì người lao động lại trở về tình trạng tay trắng.

“Việc xây dựng thủy điện sông Đà là một ví dụ điển hình của việc này. Khi kết thúc dự án, hàng chục ngàn lao động nghỉ việc đã xin nhận “chế độ 176”, được nhận tiền một lần nhưng khoản tiền không đáng kể, không đủ làm gì. Những công nhân đó sau hầu như đều rất khó khăn, sự khó khăn ấy kéo dài và dai dẳng đến tận bây giờ…” – ông Thăng nói.

Đối chiếu với Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 lần này, người từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo TCTy xây dựng Sông Đà nhận định, tạm thời sửa luật là cần thiết vì đó là thực hiện theo nguyện vọng chính đáng của nhiều người dân nhưng phải kèm theo lộ trình, giao Chính phủ ra Nghị định về việc này. Công việc sau đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để người lao động và toàn dư luận hiểu được rằng, luật đề ra là vì lợi ích lâu dài người dân chứ không phải luật chưa thấu đáo nên phải sửa.

Tán thành với góp ý sửa luật với một điều kiện cụ thể về lộ trình áp dụng, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi. Sau cuộc đình công, ngừng việc để phản ứng vừa qua, các cơ quan tiến hành khảo sát và thấy ở Đà Nẵng có tình trạng các đối tượng gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động để lấy chế độ 1 lần. Vì vậy, đáng ra người lao động được hưởng 10 đồng bảo hiểm thì qua “cai” chỉ còn 7 đồng vì 3 phải trả cho “cai sổ”.

Nhấn mạnh quan điểm làm luật vì mục đích an sinh cho người lao động nhưng nếu chính người thụ hưởng chính sách chưa chấp thuận thì phải điều chỉnh nhưng ông Lợi cũng bày tỏ tâm tư, quy định mới thực sự có lợi hơn cho người lao động, sớm muộn cũng phải thực hiện.

“Khi biểu quyết, 28/36 ủy viên UB Các vấn đề xã hội đồng tình sửa nhưng với điều kiện chỉ áp dụng với những người lao động có điều kiện khó khăn và cũng phải có lộ trình thực hiện dần quy định. Ví dụ, điều kiện kèm theo là người lao động phải làm từ 3 năm trở lên thì mới được hưởng bảo hiểm 1 lần để khi lĩnh tiền cũng có được một khoản tương đối đủ để làm được việc gì đó. Còn nếu chỉ làm 1-2 năm đã lấy thì số tiền nhận được cũng không đáng bao nhiêu” – ông Lợi lo lắng.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông (đại biểu tỉnh Thanh Hóa) nhận xét, việc sửa luật lần này là hi hữu vì quy định chưa có hiệu lực thi hành đã sửa. Quan điểm về an sinh xã hội của điều luật là đúng đắn, hướng tới nền an sinh tiên tiến, nhân đạo nhưng tại thời điểm hiện nay, với tính chất lao động của Việt Nam thì nếu chỉ cho người lao động một lựa chọn duy nhất là đóng cho đủ bảo hiểm để được hưởng lương hưu thì chưa phù hợp.

Sửa luật để người lao động có thêm quyền lựa chọn hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tiếp tục đóng đủ để hưởng lương hưu, theo ông Thông, cũng là biểu hiện của xã hội dân chủ. Sửa luật từ những đòi hỏi thực tiễn cũng cho thấy luật pháp biết lắng nghe, bám sát đời sống.

Quang Phong - Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm