1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

35 đề xuất khảo sát điện gió ngoài biển

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao xử lý 35 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi phục vụ cho việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa chủ trì cuộc họp với các đơn vị của bộ này về chủ trương thống nhất trong chiến lược phát triển điện gió.

Theo ông Vũ Trường Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cơ quan này xử lý 10 hồ sơ đề nghị giao khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió trên biển.

Trong đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 7 quyết định giao khu vực biển để thực hiện dự án điện gió, với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Trong phạm vi dưới 6 hải lý, UBND các tỉnh, thành phố đã quyết định giao 22 khu vực biển thực hiện các dự án điện gió gần bờ; công suất mỗi nhà máy nhỏ hơn hoặc bằng 50 MW.

35 đề xuất khảo sát điện gió ngoài biển - 1

Ông Vũ Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Ảnh: Khánh Ly).

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng được giao xử lý 35 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi phục vụ cho việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Trong đó, có 2 đề xuất đã được chấp thuận, còn lại 33 đề xuất đang được giải quyết. Hiện nay nhu cầu đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển của các tổ chức, cá nhân đang nhiều và rất cấp thiết.

Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành quy định mới, để đơn giản hóa thủ tục hành chính theo kiến nghị từ tổ chức, doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến một số bộ, ngành, địa phương liên quan trước khi xem xét, ban hành văn bản chấp thuận đo gió, khảo sát địa chất, địa hình theo đúng quy định của Nghị định số 11/2021.

Các bộ đã có văn bản phản hồi, cơ bản thống nhất với đề xuất. Việc thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi sẽ giúp huy động nguồn lực lớn và có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dù vậy phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh trên các vùng biển nước ta.

35 đề xuất khảo sát điện gió ngoài biển - 2

Phối cảnh dự án điện gió trên biển khoảng 1,5 tỷ USD ở Bình Định (Ảnh minh họa).

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư phát triển điện gió. Việc giải phóng nguồn lực tài nguyên biển để khai thác, sử dụng hợp lý sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Ông yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sớm giải quyết nhanh nhất các hồ sơ hoạt động đo gió. Nếu hồ sơ đã đầy đủ cần gửi ngay lấy ý kiến các Bộ ngành và phản hồi của tổ chức, doanh nghiệp; đặc biệt phải ưu tiên vấn đề an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ngoài ra, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng phải làm việc với đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương để thống nhất một số nội dung về rút gọn quy trình, thủ tục, định mức khảo sát thực hiện dự án điện gió.