1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

33 người bình thường hưởng trợ cấp… tàn phế

(Dân trí) - Ngày 27/3, ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Hưng (Long An) cho biết, vừa phát hiện 33 trường hợp còn khả năng lao động nhưng lại được hưởng trợ cấp dành cho đối tượng không tự lực được trong sinh hoạt.

Theo hồ sơ của Phòng LĐ-TB&XH Tân Hưng, tính đến nay, trên địa bàn huyện đã giải quyết 117 trường hợp con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hàng tháng.
 
33 người bình thường hưởng trợ cấp… tàn phế

Anh Lâm Văn Giàu vẫn lao động được bình thường nhưng lại được hưởng mức dành cho người không tự lực được trong sinh hoạt

 

Trong số 52 trường hợp đang hưởng mức trợ cấp con đẻ bị dị dạng, dị tật không tự lực được trong sinh hoạt; mức trợ cấp là 1.110.000 đồng/tháng, có 19 trường hợp không tự lực được trong sinh hoạt, 33 trường hợp vẫn còn khả năng lao động và tự phục vụ được.

 

Trong hồ sơ có anh Lâm Văn Giàu (con đẻ của ông Lâm Văn Lũy đang được hưởng trợ cấp người bị nhiễm chất độc hóa học trong thời kỳ kháng chiến) đang được hưởng trợ cấp dành cho con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học với tỉ lệ 81% trở lên (tức không tự lực được trong sinh hoạt).

 

Tuy nhiên khi trao đổi với PV Dân trí, anh Giàu cho biết, hiện sức khỏe của anh bình thường, ngoài việc sửa chữa và mua bán điện thoại và có một cửa hàng chuyên dịch vụ internet ngay gần ủy ban xã, hàng ngày anh còn đi làm ruộng và các công việc khác.

 

Ông Mai Văn Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, cho biết, về đối tượng được hưởng chế độ là đúng nhưng về mức độ thì sai một số trường hợp. Khi làm chế độ cho con em của người hoạt động kháng bị nhiễm chất độc hóa học, xã chỉ lập danh sách gửi lên trên, còn mức độ hưởng trợ cấp là do ở trên xét.

 

Lý giải về nhầm lẫn này, theo ông Nguyễn Văn Chi là sai sót ở “mức hưởng trợ cấp”. Việc xác định tỉ lệ thương tật là do trạm y tế xã xác nhận, huyện chỉ tổng hợp lại rồi gửi lên Sở LĐ-TB&XH để xét cho hưởng trợ cấp.

 

“Khi Nghị Định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì có hai mức hưởng trợ cấp là có khả năng lao động và tự phục vụ được và không tự lực được trong sinh hoạt. Khi chuyển đổi qua Nghị định 54 đã không giám định lại cho phù hợp với mức được hưởng trợ cấp” - ông Chi nói.

 

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Phòng LĐ-TB&XH Tân Hưng đã gửi văn bản lên Sở LĐ-TB&XH Long An xem xét và tổ chức cho giám định sức khỏe những đối tượng nêu trên để cho hưởng trợ cấp đúng quy định.

 

Ngọc Thụ