1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

32 tuổi sống như vợ chồng với cậu bé 15 tuổi

Một phụ nữ 32 tuổi sống chung như vợ chồng với cậu bé hơn 15 tuổi. Hai bên thừa nhận trước tòa nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật sở tại... làm ngơ!

Ngày 29/1, TAND TPHCM đã xử phúc thẩm một vụ cướp tài sản theo kháng cáo của mẹ bị cáo M. (mới hơn 15 tuổi). Ngoài chuyện yêu cầu tòa xem lại tội danh của con, bà này còn đề nghị tòa, viện xem xét trách nhiệm của bị cáo đồng phạm Y. vì đã có “hành vi xâm phạm tình dục trẻ con, dụ dỗ trẻ vị thành niên quan hệ”. Bà cho rằng đây là nguyên nhân chính đẩy đứa con trai của bà vào con đường hư hỏng.

Chat chung rồi... sống chung

Chưa học hết lớp tám, M. đã bỏ ngang vì ham chơi hơn ham học. Trong những lần đi chơi, M. quen và kết bạn với Y., lớn hơn mình gần 17 tuổi.

Thấy con đi chơi với một người đàn bà lớn tuổi lại đã ly dị chồng như thế, mẹ M. nhiều lần khuyên nhủ nhưng M. không nghe. Tuy vậy, bà cũng có chút an tâm vì nghe M. gọi Y. bằng cô, xưng con ngon lành. Cạnh đó, thấy Y. lớn hơn con mình những gần 17 tuổi nên bà nghĩ chắc không có chuyện gì.

Thế nhưng chuyện không đơn giản khi M. bỏ nhà đến sống chung với Y. tại một căn nhà thuê bên quận 8. Cuối năm 2005, sau một cuộc nhậu thâu đêm tại quận Bình Thạnh, hai “cô cháu” nhìn thấy một người bạn liêu xiêu trên đường vắng cùng với chiếc xe máy, thế là họ theo người bạn say này về tận nhà để “nẫng” xe. Bị truy đuổi, họ quay sang de dọa dùng vũ lực nên sau đó bị khởi tố về tội cướp tài sản.

Những lời khai... “rụng rời”!

Trong quá trình điều tra vụ cướp tài sản trên, hai “cô cháu” đều khai với công an rằng họ “chung sống với nhau như vợ chồng” ở quận 8. Tiếp đến, tại phiên xử sơ thẩm vụ cướp tài sản ở quận Bình Thạnh, khi được hỏi về mối quan hệ bất thường giữa hai người, M. cũng khai rành mạch như thế.

Luật sư của M. hỏi: “Hơn nhau 17 tuổi, sao lại sống như vợ chồng được?”. M. đáp gọn ơ: “Đi chơi chung nên phát sinh tình cảm”. Dấn vào tình tiết này, luật sư hỏi tiếp: “Hàng ngày bị cáo kêu Y. bằng gì?”. M. đáp: “Gọi bằng em”, rồi làm luôn một mạch: “Tôi thấy lạ lẫm và bị cuốn hút vào mối quan hệ này với Y.”...

Quay sang Y., luật sư chất vấn: “Bị cáo có biết khi quan hệ như vợ chồng với một đứa trẻ như M. là vi phạm pháp luật không?”. Y. đáp tỉnh bơ: “Tôi nghĩ tình cảm thì không phân biệt tuổi tác!”.

Chưa hết, tại phiên phúc thẩm vừa qua, luật sư thẩm vấn rất kỹ mối quan hệ hàng ngày giữa M. và Y về khái niệm “chung sống như vợ chồng” mà M. đã khai trước đó. M. thú nhận là đã nhiều lần hai “cô cháu làm chuyện ấy”.

Tại phiên phúc thẩm vừa qua, luật sư của M. cho rằng Y. đã dùng “thủ đoạn” dụ dỗ, lôi kéo M. vào con đường phạm tội. Khi chung sống như vợ chồng và “làm chuyện ấy” thì M. chưa đủ 16 tuổi. Theo luật, quan hệ như thế là vi phạm pháp luật hình sự. Đây là sự kiện pháp lý mới, làm thay đổi bản chất của vụ cướp nên đề nghị tòa hủy án để điều tra thêm.

Tuy nhiên, công tố viên không đồng tình, tranh luận rằng mối quan hệ bất thường giữa hai “cô cháu” này không thuộc nội dung vụ án.

Cuối cùng, tòa đã tuyên án đối với hai bị cáo mà không hề nhắc nhở gì đến “sự kiện pháp lý mới” này, cũng không kiến nghị hay hướng dẫn gì thêm đối với gia đình bị cáo M.

Bình luận về vụ án, một kiểm sát viên cao cấp nhận định lời khai của hai “cô cháu” đã cho thấy có dấu hiệu tội phạm và cơ quan tố tụng cần phải làm rõ. Nếu đó là sự thật, cơ quan tố tụng phải khởi tố vụ án, khởi tố Y. về tội giao cấu với trẻ em (luật chỉ đề cập đến người bị hại trong tội này là trẻ từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi chứ không phân biệt là trai hay gái). Như vậy, việc thấy có dấu hiệu của tội phạm mà không chịu xác minh, xử lý là bỏ lọt tội phạm.

Theo Pháp Luật TPHCM