30 tàu biển Việt Nam đang bị lưu giữ ở nước ngoài
(Dân trí) - Tổ chức chính quyền cảng biển các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo - Mou) vừa công bố về tình hình tàu biển bị lưu giữ năm 2016. Theo đó Việt Nam có 742 lượt tàu bị kiểm tra và bị lưu giữ 30 tàu. Con số này cao hơn các nước trong khu vực.
Năm 2016, Tokyo - Mou đã thực hiện gần 31.700 cuộc kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC), thực hiện kiểm tra đối với hơn 17.500 tàu mang cờ quốc tịch của 101 quốc gia đến các cảng của khu vực.
Các cuộc kiểm tra phát hiện gần 18.950 lượt tàu có khiếm khuyết ảnh hưởng đến an toàn, an ninh, điều kiện lao động hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và thực hiện lưu giữ gần 1.100 lượt tàu của 69 quốc gia.
Với đội tàu của Việt Nam, năm 2016, Tokyo - Mou kiểm tra 742 lượt tàu biển và lưu giữ 30 tàu, chiếm tỷ lệ 4,04%, đây cũng là tỷ lệ cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mặc dù nguy cơ bị xếp vào “danh sách đen” như cảnh báo trước đó của Tokyo-Mou là rất cao, nhưng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, do việc xếp hạng tính theo tỷ lệ trung bình của 3 năm liên tiếp nên năm 2016 đội tàu biển Việt Nam vẫn duy trì trong “danh sách trắng” của Tokyo - Mou.
Được biết, các tàu bị lưu giữ ở nước ngoài thường bị hư hỏng về an toàn chống cháy, trang thiết bị cứu sinh, tình trạng kín nước và kín thời tiết, các hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, an toàn hàng hải, hệ thống quản lý tàu, các thiết bị và hệ thống sử dụng trong trường hợp khẩn nguy.
Trước năm 2014, đội tàu biển Việt Nam từng bị Tokyo - Mou xếp vào “danh sách đen”. Khi đó, tàu Việt Nam liên tục bị chính quyền các cảng biển kiểm tra và bắt lỗi khiến khả năng bị lưu giữ cao, bị phân biệt đối xử, do đó doanh nghiệp vận tải biển gặp phiền phức, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch vận chuyển, chủ tàu đối mặt với nguy cơ bị chủ hàng phạt nặng. Không ít tàu phải xin bảo lãnh về nước để khắc phục.
Châu Như Quỳnh