1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

3 vụ việc yêu cầu công an bồi thường

Thế Kha

(Dân trí) - Đại diện V03-Bộ Công an cho biết mới chỉ áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 để giải quyết đối với 3 vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

Tại buổi tọa đàm về những hạn chế, vướng mắc khi thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vừa diễn ra tại Bộ Tư pháp, đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03- Bộ Công an) phản ánh, từ năm 2018 tới nay các cơ quan, đơn vị trong lực lượng công an nhân dân chưa ghi nhận phát sinh vụ việc yêu cầu thường nhà nước trong hoạt động thi hành hình sự, hoạt động quản lý hành chính.

Theo đại diện V03, đến nay mới chỉ áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 để giải quyết đối với 3 vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

Vụ thứ nhất, Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bồi thường cho ông Hoàng Quốc Thái trên 156,6 triệu đồng theo bản án số 24/2019/DSPT của TAND tỉnh Thái Nguyên. Công an tỉnh Thái Nguyên đã thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, xác định mức độ lỗi của cán bộ, chiến sĩ liên quan là vô ý và ra quyết định hoàn trả với tổng số tiền trên 95 triệu đồng.

Vụ thứ hai, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành bồi thường cho ông Phạm Văn Hướng gần 131,8 triệu đồng (vụ việc xảy ra từ năm 2003).

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành xem xét trách nhiệm hoàn trả, xác định mức độ lỗi của cán bộ, chiến sĩ liên quan là vô ý và không yêu cầu hoàn trả.

Vụ thứ ba, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang tiếp nhận yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Ngọc Huỳnh (vụ việc xảy ra từ năm 1985), hiện đang tiến hành xác minh, giải quyết theo quy định.

Đại diện V03 cho rằng các vụ việc bồi thường nêu trên đều là những vụ việc đã xảy ra từ lâu, có nhiều tình tiết phức tạp hoặc hồ sơ vụ án, vụ việc đã bị thất lạc nên cơ quan giải quyết bồi thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh thiệt hại, thương lượng bồi thường. Việc gửi văn bản trong quá trình giải quyết bồi thường còn có tình trạng chưa kịp thời, thiếu chủ động và có lúc, có nơi, cơ quan giải quyết bồi thường còn chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thời hạn của quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường.

V03 kiến nghị chú trọng việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về công tác bồi thường nhà nước, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện bồi thường.

"Siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương công vụ trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động thi hành án hình sự, quản lý hành chính trong công an nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ có hành vi phạm", đại diện V03 thông tin.

Ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành năm 2017 là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai thực thi Hiến pháp năm 2013; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước. Từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.

3 vụ việc yêu cầu công an bồi thường - 1

Ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp (Ảnh: C.Lan).

Sau gần 5 năm có hiệu lực, việc tổ chức thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, các cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý, giải quyết 124 vụ việc, giải quyết xong 60 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định, bản án giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật trên 28,8 tỷ đồng và 102,5 chỉ vàng.

Công tác thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định đã được các cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện kịp thời, chủ động, hiệu quả. Năm 2019, tỷ lệ các vụ việc yêu cầu bồi thường được giải quyết xong tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ theo luật là 92,3%, cao hơn so với năm 2009 (62%).

Năm 2020, tỷ lệ các vụ việc yêu cầu bồi thường được giải quyết xong tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ là 52,27%, cao hơn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (47,82%).

Việc tổ chức công khai xin lỗi người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, việc xác minh thiệt hại, thương lượng với người có yêu cầu bồi thường và việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại cơ bản được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định pháp luật.

"Thay vì coi công tác bồi thường nhà nước chỉ mang tính sự vụ, các cơ quan giải quyết bồi thường chỉ thực hiện khi phát sinh vụ việc thì nay đã xác định phương châm ưu tiên mục tiêu phòng ngừa. Qua đó xác định tính lâu dài, hệ thống và bài bản trong tổ chức thực hiện công tác bồi thường", lãnh đạo Cục Bồi thường Nhà nước đánh giá.