1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

3 thói quen… tự đốt nhà ngày Tết

Những thói quen cộng thêm sự chủ quan, bận rộn ngày Tết đẩy đến hậu quả không ngờ.

“Nấu ăn quên trông coi, thắp nhang , đốt vàng mã không đúng cách trong các ngày trước, trong và sau Tết rất dễ gây cháy nổ . Hầu như dịp Tết năm nào cũng có vài vụ cháy do sự bất cẩn của người dân mà hậu quả có thể dẫn đến chết người” - Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM , chia sẻ.

Nấu ăn không trông coi

Tết bận rộn, nhiều người có thói quen vừa nấu ăn vừa tranh thủ làm việc khác. Mới năm ngoái, ngay 30 Tết, một ngôi nhà trên đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7) suýt hóa tro chỉ vì thói quen này. Hôm đó, đang dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị tối đón giao thừa thì hàng xóm xung quanh ngôi nhà này phát hiện khói bốc lên nghi ngút nên tá hỏa tri hô “Cháy, cháy!”.

Người dùng nước, người dùng bình cứu hỏa mini nhanh chóng hỗ trợ dập lửa. Vụ cháy may mắn không gây thiệt hại về người nhưng gia chủ và lối xóm bị một phen thót tim. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người trong nhà nấu ăn nhưng bỏ đi ra ngoài dẫn tới hỏa hoạn. Cùng ngày hôm đó cũng xảy ra một vụ cháy ở Bình Chánh do đốt vàng mã gây ra.

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến chia sẻ một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hỏa hoạn trong những ngày Tết là bất cẩn trong sử dụng điện và lửa. “Nấu ăn luôn phải có người trông coi cẩn thận. Thấy bếp gas đã tắt lửa cũng phải kiểm tra xem đã khóa van chưa. Nhiều trường hợp lửa tắt là do đun nấu không trông coi, nước trào nên tắt bếp trong khi van gas chưa khóa. Chỉ cần sơ sẩy hay mở bếp là lửa phụt mạnh lên ngay. Trước khi ra khỏi nhà phải kiểm tra các thiết bị điện đã ngắt điện hết chưa, đặc biệt là những nơi đun nấu, thờ cúng” - Trung tá Tuyến hướng dẫn.

Hiện trường vụ cháy nổ do lau nhà bằng xăng còn hút thuốc năm 2016 khiến ba người tử vong. Ảnh: N.TRÀ
Hiện trường vụ cháy nổ do lau nhà bằng xăng còn hút thuốc năm 2016 khiến ba người tử vong. Ảnh: N.TRÀ

Đốt rác đốt luôn... xe

Thói quen đốt rác dọn nhà nếu không cẩn thận cũng rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Thực tế, rất nhiều vụ cháy thương tâm xuất phát từ hành động này.

Trung tá Lê Mạnh Hà (Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý cháy nổ, Cảnh sát PCCC TP.HCM) khuyến cáo trong thời gian đốt rác, người dân không được bỏ đi làm việc khác như tắm rửa, lau dọn nhà cửa mà phải trông coi cho đến khi lửa tắt hẳn.

“Khi đốt xong phải dùng nước dập tắt hoàn toàn đám cháy, đảm bảo không còn tàn lửa, lửa không còn khả năng bùng phát trở lại. Tuyệt đối không được vứt tàn thuốc, thuốc hút dở lên đống rác, phế liệu, những chất liệu dễ cháy. Chỉ cần mồi lửa nhỏ như một mẩu tàn thuốc cũng có thể đốt cả khu rừng” - Trung tá Hà nhấn mạnh.

Lau nhà bằng xăng thơm

Tết đến, các gia đình đều có thói quen dọn dẹp, sửa sang để có nhà sạch, đẹp đón khách đến chơi nhà. Để tiết kiệm thời gian và làm sạch mọi vết bẩn, thay vì cọ rửa nhiều lần người ta lại hay dùng xăng thơm làm chất xúc tác mà không biết đây là thói quen chết người.

Vụ cháy nổ tại nhà số 126D Trần Kế Xương (quận Phú Nhuận) vào trưa 6-12-2016 khiến ba nạn nhân trong ngôi nhà tử vong chính là một ví dụ đau lòng. Hơn một năm đã trôi qua nhưng nhớ lại Trung tá Hà vẫn không khỏi đau xót.

Những món đồ vật bị lửa thiêu méo mó, bức tường cháy xém, nứt toác loang lổ, nền nhà cáu bẩn, một bao thuốc, đầu lọc, thuốc còn hút dở… và ba con người vĩnh viễn ra đi. Đó là tất cả những gì còn lại sau vụ cháy nổ kinh hoàng. Lực lượng khám nghiệm hiện trường nhận định nguyên nhân vụ nổ có thể là do chủ nhà dùng xăng cạo rửa lớp keo dán mút xốp. Phòng kín, nhỏ, quá trình dùng xăng lau nhà khiến hơi xăng khuếch tán vào không khí đạt ngưỡng độ cháy. Lúc này, khả năng một người trong nhà đã bật lửa hút thuốc và hỗn hợp hơi xăng đã gây nổ. “Dùng xăng lau nhà còn hút thuốc khác nào tự sát” - ông Hà ngậm ngùi nói.

Ông khuyến cáo mọi người nếu không quá cần thiết, tuyệt đối không được dùng xăng lau nhà, lau chùi thiết bị, kể cả giẻ lau xăng dùng xong cũng không vứt lại trong phòng kín. “Nếu cần dùng xăng lau chùi trang thiết bị thì nên đưa hẳn thiết bị đó ra ngoài, ở vị trí thoáng mát. Không để xăng bắn vào người, không để đổ, vãi xăng, đặc biệt là ở những nơi gần nguồn nhiệt như bếp lửa, cầu dao... Tuyệt đối không được vừa dùng xăng để lau dọn nhà cửa vừa khoan, mài cắt vì hành động khoan cắt sẽ tạo ra tia lửa điện, bén xăng gây cháy” - Trung tá Hà nhắc nhở.

Không có chuyện đếm xe chữa cháy thu tiền

Nhiều người dân lo lắng khi có tin đồn gọi cảnh sát PCCC tới chữa cháy sẽ phải tính đầu xe chữa cháy để trả tiền.

Trả lời vấn đề này, Trung tá Hà khẳng định chi phí chữa cháy hiện nay do nguồn ngân sách nhà nước chi trả, ông cho biết: “Mỗi lần xuất xe rất tốn kém, xăng dầu, nhân lực… nhưng không vì vậy mà bắt dân trả. Không có chuyện đếm xe chữa cháy thu tiền của dân. Nếu có trường hợp lợi dụng lúc người nhà hoang mang, giả danh tới vòi vĩnh, đòi tiền, người dân hãy gọi báo ngay 114 hoặc gọi công an, cảnh sát khu vực. Thu tiền phải có hóa đơn, chứng từ, có quyết định chứ không thể tới không được”.

Theo Nguyễn Trà
Pháp luật TPHCM