1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

3 tháng tới: Thời tiết diễn biến bất thường

So với các năm trước, 3 tháng tới thời tiết sẽ nắng nóng và mưa nhiều hơn. Diễn biến khí hậu Việt Nam vẫn đang theo chiều hướng xấu, đặc biệt tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp.

Các chuyên gia khí hậu ở Viện Khí tượng Thủy văn đoán, trong ba tháng 7, 8, và 9, thời tiết nước ta tiếp tục diễn biến theo chiều hướng vượt giá trị trung bình nhiều năm cả về nhiệt độ và lượng mưa.

Đánh giá này là đáng chú ý, nhất là đối với khu vực Bắc Bộ, nếu biết lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng tập trung từ tháng 7- 9 hàng năm. “Các trị số vượt chuẩn tuy không nhiều song cho thấy diễn biến khí hậu Việt Nam vẫn đang theo chiều hướng xấu”, một nhà môi trường nói.

Để đánh giá diễn biến khí hậu, các nhà khoa học thường lấy trị số trung bình của 30 năm gần nhất và so sánh. Trị số trung bình đang được sử dụng hiện nay là giai đoạn từ năm 1971-2000.

Các mô hình tính toán đều cho rằng, nhiệt độ ba tháng tới có thể vượt chuẩn (hay còn gọi là vượt giá trị trung bình của 30 năm) từ 0 đến 0,5 độ C trên phần lớn lãnh thổ. Thậm chí, có mô hình dự báo nhiệt độ vượt chuẩn có thể lên đến 1 độ C, nhất là khu vực phía Nam từ tỉnh Quảng Ngãi đổ vào.

Các khu vực nóng nhất trong ba tháng tới sẽ là Đông Bắc Bộ, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, KonTum và Bình Định. Khu vực ít nắng nóng hơn có thể rơi vào mấy tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Ninh Thuận. Còn các tỉnh Lai Châu, Gia Lai, cùng một số tỉnh thuộc đồng bằng Nam Bộ, thời tiết sẽ mát hơn mức trung bình nhiều năm.

Cùng với nhiệt độ, tình hình mưa cũng có diễn biến phức tạp theo kiểu có nơi mưa nhiều hơn, có nơi mưa ít hơn trung bình nhiều năm (còn gọi là vượt chuẩn hay hụt chuẩn).

Chẳng hạn, mưa có khả năng xấp xỉ và vượt chuẩn ở vùng núi phía Bắc và hầu hết diện tích ở phía Nam, từ Bình Định trở vào. Một số nơi như Đông Bắc Bộ, Đông Tây Nguyên và đa phần diện tích Tây Nam Bộ, lượng mưa vượt chuẩn dự báo có thể từ 50-200mm.

Lượng mưa có thể xấp xỉ và hụt chuẩn ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, và khu vực Tây Nam Tây Nguyên. Lượng mưa có khả năng hụt chuẩn ở một số tỉnh thuộc khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn, phần lớn diện tích đồng bằng Bắc Bộ, phía Bắc của Nam Trung Bộ và phía Tây của Đông Nam Bộ.

Đặc biệt, một vài nơi có thể “mất mùa” mưa như Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa. Lượng mưa những nơi này được dự báo có thể hụt chuẩn trên 400mm.

Các chuyên gia khí hậu cũng dự báo trong ba tháng tới không khí lạnh hầu như chưa ảnh hưởng đến Việt Nam mặc dù, theo trung bình nhiều năm, thường có khoảng một đợt.

Về xoáy thuận nhiệt đới (bão, áp thấp nhiệt đới), trong ba tháng tới, khả năng có từ 3 đến 4 cơn. Con số đó là đáng chú ý nếu biết trung bình nhiều năm chỉ có một cơn vào khoảng thời gian này.

Các chuyên gia dự hội thảo đánh giá rủi ro do lũ trên lưu vực sông Hồng tổ chức ở Hà Nội ngày 13/7 cho rằng, do diễn biến khí hậu ở nước ta và toàn cầu thời gian gần đây, diễn biến mưa lũ ngày càng phức tạp.

Xu thế lũ tăng trên hệ thống sông Hồng khoảng 15-20m3/giây/năm trong khi chu kỳ lặp lại của các trận lũ ngắn hơn. Việc đánh giá thiệt hại do lũ phần lớn chỉ dừng lại ở các thống kê về người và vật chất cụ thể chứ chưa đánh giá đến tác động môi trường lâu dài của vùng bị ảnh hưởng.

Theo Tiền Phong