Nước tại khối Phúc Tân ngập sâu đến 70cm.
Đến sáng ngày 31/7, trên địa bàn TP. Vinh, trời đã ngừng mưa. Tuy nhiên, hơn 100 hộ dân với gần 500 nhân khẩu ở các khối Phúc Vinh, Phúc Lộc, Quang Tiến, Quang Trung, Phúc Tân của phường Vinh Tân bị ngập sâu từ 0,4 - 1,5 m.
Ông Nguyễn Văn Hoà, Khối trưởng khối Phúc Tân cho biết: “Khối Phúc Tân chúng tôi có 176 hộ trong đó có 46 hộ bị ngập, so với thời điểm này năm 2010 thì lượng mưa không có gì đáng kể, tuy nhiên tình trạng ngập úng lại xảy ra”.
Nhà cũ nát, xuống cấp cũng như nhà mới xây cao ráo đều... ngập.
Các hộ dân cho biết, tình trạng ngập úng xảy ra là do đơn vị thi công các Dự án xây dựng nhà trên địa bàn đã lấp dòng chảy, không có hệ thống thoát nước.
Ông Hoàng Văn Khoa (76 tuổi) người dân sống ở đây gần 72 năm cho biết: “Trong những lần mưa lớn, phải đến 2 - 3 ngày thì ở đây mới xẩy ra tình trạng ngập úng, nhưng lần này chỉ sau 3 giờ đồng hồ mưa, cả khu vực này đều bị ngập hết”.
Để khắc phục tình trạng ngập úng, lãnh đạo phường Vinh tân đã điều động 2 máy múc đến để khơi thông dòng nước.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch phường Vinh Tân (TP. Vinh) cho biết, tình trạng ngập úng trên diện rộng là do hệ thống thoát nước trên địa bàn bị lấp gây nên. Nguyên nhân chính khiến nước không chảy là do các Dự án xây dựng nhà đang thi công trên đại bàn đã lấp mất dòng chảy. Tuy nhiên trong sáng nay, chính quyền xã đã báo cáo lên TP. Vinh để có phương án khắc phục tình trạng này.
Báo cáo nhanh từ Ban chỉ đạo PCLB và TKCN Nghệ An, đến17 giờ chiều 31/7, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 3 người chết vì mưa bão. Vào hồi 8h sángngày 31/7, em Trần Vũ Tài (sinh năm 1998, ở xóm Trần Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành) bị chết đuối tại kênh tiêu Vách Bắc. Nguyên nhân là do trong lúc đi chăn trâu em bị sẩy chân, rơi xuống kênh và bị nước cuốn trôi. Hiện thi thể em Tài vẫn chưa được tìm thấy. Em Hoàng Thị Thu (SN 1991), trú xóm Trung Bắc, xã Quang Thành, huyện Yên Thành chết đêm trong đêm 30/7 và ông Phạm Xuân Tứ (68 tuổi, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) bị điện giật vào hồi 11h ngày 30/7.
Mưa lớn ở Nghệ An cũng khiến hơn hơn 2.500 ha lúa và trên 1.900 ha hoa màu bị ngập; có 5 nhà tốc mái xảy ra tại huyện Anh Sơn; Trường tiểu học xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn cũng bị tốc mái...
Cùng với việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các sở, ban, ngành đến các điểm xung yếu kiểm tra hồ đập, có phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập lụt. Trong đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện đã cấp phát phao cứu sinh, chuẩn bị bè, mảng, sẵn sàng sơ tán các hộ dân sống dọc sông suối đến nơi an toàn. Công việc này cũng đang được các huyện nơi thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Thị Xã Thái Hoà… gấp rút triển khai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của do mưa lũ có thể gây ra.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, sau bão một số địa phương trong đó có Nghệ An sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Bà con ở vùng núi các huyện miền núi… phải hết sức đề phòng lũ quét và sạt lở đất, nhất là vào ban đêm và sáng sớm để kịp thời sơ tán người và tài sản.
Tại huyện miền núi Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Hương Quang Lê Thanh Tịnh cho biết, theo thống kê ban đầu lốc xoáy, mưa bão đã huỷ hoại 62 ngôi nhà, hàng trăm cây cối bị gãy đổ, hàng chục hec- ta hoa màu, ruộng mía bị tàn phá nặng nề. Ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Chị Tuyết dọn dẹp nhà cửa trong đống đổ nát
Cây cối, vườn tược tan hoang.
Sáng 31/7, tại xóm Kim Thọ, xã Hương Quang, thật xót xa khi chứng kiến cảnh nhà cửa, ruộng vườn tan hoang. Chị Nguyễn Thị Tuyết - một hộ dân bị lốc xoáy tàn phá nhà của, vườn tược bàng hoàng kể lại: “Khoảng 17 giờ, chiều ngày 30/7, trong lúc tôi đang nhóm lửa thổi cơm tối thì một cơn lốc xoáy bất ngờ ập đến, gió thổi mạnh đã cuốn bay cả mái tôn trên nhà. Một mảnh tôn rơi trúng lưng tôi nhưng rất may không để lại thương tích. Lốc xoáy kèm theo mưa to đã làm đường dây điện trong nhà bị chập. Chồng tôi cũng bị điện giật. Lúc đó cả gia đình rất hoảng loạn”.
Sáng nay 31/7, lãnh đạo huyện Vũ Quang đã đến động viên thăm hỏi và hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại nặng nề do lốc xoáy gây ra.
Sáng nay (31/7), ông Phạm Hữu Bình, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cùng đoàn cán bộ huyện đã đến tận thôn Kim Thọ, xã Hương Quang tiến hành kiểm tra thiệt hại, động viên, thăm hỏi và hỗ trợ những gia đình bị lốc xoáy tàn phá nhà cửa và một số tài sản khác.
Thống kê tại Thanh Hóa, bão số 3 đổ bộ vào đất liền đã làm 12 căn nhà trên địa bàn toàn tỉnh bị sập và tốc mái, 23 cột điện cao thế bị gãy đổ. Về sản xuất của người dân, có 35 héc ta mía, 48 ha hoa màu bị gãy đổ; cây lâm nghiệp bị thiệt hại 3 ha.
Mưa bão cũng đã làm 3,7km đường giao thông và đê điều ở một số địa phương trên địa bàn bị sạt lở. Ngay sau khi xảy ra sự cố, các địa phương đã chỉ đạo khắc phục tình trạng sạt lở.
Những căn nhà tạm bợ như thế này rất dễ bị sập đổ.
Theo ước tính, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn Thanh Hóa là 25 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành và người dân nhanh chóng rà soát lại những thiệt hại. Đồng thời chỉ đạo công tác khắc phục những thiệt hại do bão số 3 gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức hướng dẫn bà con tiến hành cấy và dặm lại những diện tích lúa bị ngập úng trong đợt mưa trước gây ra.
Đặng Tài - Văn Dũng - Thanh Nghệ - Nguyễn Duy - Duy Tuyên