1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

3 loại thuốc độc được sử dụng để thi hành án tử hình

(Dân trí) - Nghị định 47 Chính phủ vừa ban hành về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc nêu rõ 3 loại thuốc trong một liều tiêm bắt đầu được sử dụng từ 27/6 tới. Thuốc do Bộ Y tế cung cấp.

Nghị định 47 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc từ năm 2011.
 
Cụ thể, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình gồm 3 loại: thuốc làm mất trí giác; thuốc làm liệt hệ vận động; thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Một liều  thuốc gồm 3 loại thuốc nêu trên và dùng cho một người.
 
Bộ Y tế sẵn sàng cấp thuốc độc để thi hành án tử hình
Người bị kết án tử hình có quyền viết đơn xin đặc xá và chỉ phải chấp hành hình phạt khi có quyết định thi hành án.
 
Nội dung này khác đã có sự thay đổi từng loại thuốc cụ thể cần sử dụng trong quy trình thi hành án với "tử tù" so với Nghị định 82/2011. Khi đó, cơ quan chức năng ấn định sử dụng thuốc dùng để gây mê Sodium thiopental; Thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp Pancuronium bromide và thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim Potassium chloride.
 
Tuy nhiên, khi quy định được ban hành, quá trình thực hiện vấp khó khăn vì nguồn cung thuốc được xác định sẽ nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng các nước bạn khi đó từ chối bán các loại thuốc này cho Việt Nam khi biết mục đích sử dụng là để thi hành án tử hình. Chính phủ sau đó đã phải yêu cầu Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu chủ động sản xuất thuốc trong nước để đáp ứng yêu cầu.
 
Do chưa có thuốc khi đó, hơn 500 bị án, án đã có hiệu lực mà không thi hành được. Vấn đề đã gây ra tranh luận lớn tại Quốc hội khi đó. Nhiều đại biểu Quốc hội đã truy vấn về trách nhiệm của cơ quan chức năng về "sự cố" này.
 
Thuốc do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thi hành hình phạt tử hình đối với người bị kết án. Bộ Y tế được giao trách nhiệm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc theo kế hoạch dự trù thuốc hàng năm của 2 Bộ đảm nhiệm việc thi hành án nói trên. Bộ Y tế cũng phải hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành danh mục, liều lượng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình.

Nghị định cũng nhấn mạnh yêu cầu việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Nghị định 47 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/6/2013.

Lan Hương - Phương Thảo