1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

3 kịch bản của bão Nesat

Nguyễn Dương

(Dân trí) - So với chiều qua khi vào Biển Đông, bão Nesat đã mạnh thêm một cấp, ở cấp 12, giật cấp 14 vào thời điểm sáng sớm nay. Chuyên gia nhận định có 3 kịch bản xảy ra với cơn bão này trong những giờ tới.

Như đã đưa tin, chiều qua (16/10), bão Nesat đã vượt qua Philippines đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 năm 2022 trên Biển Đông. Thời điểm này, bão mạnh cấp 11, giật cấp 13. 

Đến 4h sáng nay (17/10), cường độ bão đã tăng lên cấp 12, giật cấp 14 và di chuyển với tốc độ 20km/h, theo hướng Tây.

Đưa ra nhận định về diễn biến cơn bão này trong các giờ tiếp theo, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời điểm ngày 18/10, bão số 6 có thể đạt cường độ mạnh nhất. Sau đó do tương tác với không khí lạnh, bão diễn biến phức tạp.

3 kịch bản của bão Nesat - 1

Ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng Dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ông Hưởng đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra với bão số 6, cụ thể:

Kịch bản có khả năng cao nhất hiện nay (xác suất 50-60%) là bão sẽ tương tác với không khí lạnh, suy yếu trước khi vào vùng biển Trung Bộ nước ta, tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới khi đổ bộ đất liền các tỉnh miền Trung.

Kịch bản thứ hai xảy ra với xác suất thấp hơn nhưng nguy hiểm hơn là khi bão đi tới phía nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc), không khí lạnh yếu đi, bão đi thẳng vào vùng biển miền Trung nước ta, duy trì cường độ mạnh cấp 9, cấp 10.

Kịch bản thứ ba là khi di chuyển đến đảo Hải Nam, bão số 6 gặp không khí lạnh mạnh. Sự tương tác với không khí lạnh khiến bão suy yếu nhanh và tan dần trước khi vào đất liền. Với kịch bản thứ ba, đất liền cũng như vùng biển ven bờ các tỉnh miền Trung ít chịu ảnh hưởng của mưa lớn và gió giật mạnh.

3 kịch bản của bão Nesat - 2

Vị trí và hướng di chuyển của bão Nesat. (Ảnh: NCHMF).

Ông Hưởng cho biết thêm, trong quá khứ, các cơn bão trên Biển Đông khi gặp không khí lạnh thường có xu hướng yếu đi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không khí lạnh yếu, không đủ làm bão suy yếu. Vì vậy, cần liên tục cập nhật các bản tin dự báo mới nhất về bão số 6.

Dự báo xa hơn, theo ông Hưởng, từ nay đến hết năm 2022 trạng thái La Nina tiếp tục duy trì trong thời kỳ từ nay đến tháng 1/2023 với xác suất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần với xác suất khoảng từ 50-60%. Từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2 hoặc 3 cơn, tập trung chính ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ.

Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục cảnh báo nguy cơ xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022. Tháng 1/2023 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông có thể ảnh hưởng tới thời tiết các tỉnh phía  nam của Việt Nam

Dự báo tổng lượng mưa tháng 11/2022, khu vực Bắc Trung Bộ cao hơn từ 15-30%; khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

La Nina là hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường, đây là một hiện tượng trái ngược lại với hiện tượng El Nino (nước biển nóng lên).

Hiện tượng La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng ba đến tháng sáu hàng năm và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng hai năm sau. La Nina sẽ xảy ra ngay sau khi hiện tượng El Nino kết thúc. Hiện tượng La Nina thuộc dòng biển lạnh làm lạnh nhiệt độ của những vùng mà nó đi qua.