1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

3 dự án tại TPHCM chưa hoàn trả 1.200 tỷ tiền tạm ứng ngân sách sau 20 năm

Q.Huy

(Dân trí) - Trong 125 dự án của TPHCM có số dư tạm ứng ngân sách quá hạn, 3 dự án có tổng vốn tạm ứng cao nhất lên tới hơn 1.215 tỷ đồng và chưa có biện pháp thu hồi.

Kho bạc Nhà nước TPHCM vừa báo cáo với Sở Tài chính thành phố về việc đánh giá tình hình tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công trên địa bàn. TPHCM đang có khoảng 125 dự án với số dư tạm ứng ngân sách quá hạn là 1.666 tỷ đồng.

Trong số đó, 3 dự án kéo dài gần 20 năm với tổng vốn 1.215 tỷ đồng, chiếm 72% tổng vốn tạm ứng.

Cụ thể, dự án xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư tạm ứng dư so với tổng vốn 463 tỷ đồng. Dự án này được khởi công vào tháng 5/1997. Tuyến đường sau đó được đổi tên thành đường Nguyễn Hữu Cảnh và thông xe năm 2002.

3 dự án tại TPHCM chưa hoàn trả 1.200 tỷ tiền tạm ứng ngân sách sau 20 năm - 1

Cầu Thủ Thiêm kết nối quận Bình Thạnh với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Ảnh: Hải Long).

Dự án tiếp theo là cầu Thủ Thiêm do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư, tạm ứng dư 118 tỷ đồng. Ban đầu, dự án có tên cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến Khu đô thị Thủ Thiêm. Cây cầu sau được đổi tên lại thành Thủ Thiêm.

Công trình khởi công năm 2005 và đã đưa vào khai thác từ năm 2008 với chiều dài hơn 1,2km, 6 làn xe, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức) do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao TPHCM làm chủ đầu tư tạm ứng dư 634 tỷ đồng. Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2004, cách đây đúng 20 năm.

Theo Kho bạc Nhà nước TPHCM, vốn tạm ứng dư của ba dự án này là tồn tại lớn nhất của các khoản tạm ứng vốn quá hạn trên địa bàn. Việc tạm ứng vốn được thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM nhưng đến nay chưa có biện pháp thu hồi.

Ngoài ra, vốn tạm ứng dư quá hạn còn rơi vào một số dự án mà chủ đầu tư phá sản; dự án bị đình hoãn, ngưng hoạt động; dự án có số dư chi phí di dời trọn gói.

Kho bạc Nhà nước TPHCM đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và báo cáo cấp thẩm quyền về hướng xử lý số dư tạm ứng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đối với 3 dự án có số dư tạm ứng quá hạn lớn trước đây.

Đối với các dự án mà ban quản lý đã giải thể, giãn, hoãn tiến độ, hoặc dừng thực hiện, nhà thầu phá sản, chủ đầu tư cần khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, từ đó có phương án xử lý số dư tạm ứng quá hạn.

Kho bạc Nhà nước TPHCM cũng kiến nghị UBND thành phố tham mưu Chính phủ cho phép thực hiện quyết toán dự án hoàn thành, các chi phí hợp lý, hợp pháp đã thực hiện. Số tiền còn lại đã tạm ứng từ dự án, đang tạm giữ trên khoản tiền gửi của chủ đầu tư sẽ tiếp tục giao chủ đầu tư theo dõi, đối chiếu và vận động chi trả để không ảnh hưởng đến việc quyết toán dự án.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước TPHCM kiến nghị Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra những chế tài đủ mạnh để xử lý và kiểm điểm các chủ đầu tư, ban quản lý có dự án để vốn tạm ứng quá hạn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm