1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

250 đợt lũ quét, gây thiệt hại hơn 3.300 tỷ trong 14 năm

(Dân trí) - Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương, từ năm 2000 đến 2014 đã xảy ra 250 lượt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích 646 người, bị thương gân 351 người. Xảy ra thiệt hại lớn là do nhiều địa phương chủ quan.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương (BCĐ) vừa được công bố tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất nă, 2014 khai mạc sáng nay, 20/8, tại Hà Nội. Hội nghị do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát chủ trì.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị (Ảnh N.A)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị (Ảnh N.A)

Theo BCĐ, những đợt lũ quét, sạt lở này đã làm hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi; hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng; hơn 75.000 ha lúa và hoa màu bị ngập; hàng trăm ha đất canh tác bị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh kinh tế bị hư hỏng nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng.

Các tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất gồm: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quangr Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, và Bình Thuận.

Một số trận lũ quét điển hình trong những năm qua như: Trận lũ quét ngày 20/9/2002 tại các huyện Sơn Hương, Hương Khê và Vụ Quang tỉnh Hà Tĩnh làm 53 người chết và mất tích, 111 người bị thương; trận lũ quét ngày 28/9/2005 tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã làm 50 người chết và mất tích; lũ, lũ quét và sạt lở sau bão số 4 và số 6, tại Lào Cai, Yên Bái năm 2008 làm 120 người chết và mất tích,…vv.

Thiệt hại nặng nề do lũ quét là do nhiều địa phương còn chủ quan (Ảnh minh họa)
Thiệt hại nặng nề do lũ quét là do nhiều địa phương còn chủ quan (Ảnh minh họa)

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và mưa lớn đã xảy ra các trận lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, và Sơn La… làm 24 người chết và mất tích, trong đó có 2 gia đình ở thị trấn Tam Đường và huyện Hoàng Su Phì bị thiệt mạng tới 5 người trong nhà.

Theo đánh giá của BCĐ, tình trạng người chết do lũ quét, sạt lở đất và lũ xảy ra sau bão ở nhiều địa phương là do chủ quan, bất cẩn của một bộ phận người dân; cũng như công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa sâu sát, thiếu kiên quyết.

Trong thời gian tới, Chính phủ cần ưu tiên vốn để hỗ trợ cho các địa phương sớm hoàn thành kế hoạch di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; đồng thời hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét tại các vùng được xác định có nguye cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Nguyên An