1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

25 người chết do bão, cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất

(Dân trí) - Có ít nhất 25 người chết và 14 người khác bị thương do hậu quả của cơn bão số 5. Cơ quan khí tượng vẫn đang cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra ở các địa phương vùng núi.

Theo báo cáo từ các địa phương, bão số 5 đã làm 25 người chết và 14 người khác bị thương, tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Vĩnh Phúc... Trong đó 1 chiến sĩ công an bị nước cuốn trôi trong khi làm nhiệm vụ, nhiều trường hợp khác bị chết do bất cẩn khi di chuyển, bị điện giật...

Thống kê ban đầu từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, bão số 5 cũng làm sập gần 200 ngôi nhà, tốc mái hơn 5.000 ngôi nhà; ngập úng, hư hỏng gần 1.500ha lúa và hoa màu.

Tại Hà Nội, mưa lớn đã gây sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ đoạn K5+500-K5+550, dài 50m. Đây là đoạn đê được tu bổ từ năm 2010 nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao. Hiện lãnh đạo địa phương đã đi kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị liên quan để khắc phục sự cố.

Tại Hà Nội, bão số 5 với gió giật mạnh khiến hàng loạt to cây đổ
Tại Hà Nội, bão số 5 với gió giật mạnh khiến hàng loạt to cây đổ
 
Theo báo cáo từ Yên Bái, mưa to liên tục trong các ngày 16, 17, 18/8 kèm theo gió lốc gây thiệt hại nặng nề về tài sản, 10 người bị thương phải cấp cứu tại các bệnh viện; 142 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn; 5.764 nhà bị hư hại, hàng chục cột điện, hàng trăm cây xanh ven đường bị đổ gãy... Tổng thiệt hại ước tính lên tới 13 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, các huyện thị đã xuống hiện trường nắm bắt tình hình, tặng quà và hỗ trợ, động viên kịp thời các gia đình bị hại. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sát sao công tác khắc phục hậu quả của thiên tai và có phương án đề phòng trước diễn biến khó lường của thời tiết.

Tính đến 19h ngày 18/8, hầu hết các hộ có nhà bị sập đổ đã được lực lượng cứu hộ và nhân dân giúp sức vận chuyển tài sản và bố trí ở tạm tại các nhà dân lân cận. Các hộ có nhà bị hư hại về cơ bản đã được nhân dân hỗ trợ tu sửa tạm thời để đảm bảo không bị gió lùa, mưa dột...

Một số tuyến đường trọng yếu như tỉnh lộ từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Trạm Tấu do bị sạt lở lớn gây ách tắc giao thông hoàn toàn khiến huyện Trạm Tấu bị cô lập hiện cũng đang được các lực lượng cứu hộ và nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả để sớm giải tỏa ách tắc giao thông.

Riêng quốc lộ 32, đoạn từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Cang Chải có sạt lở đất, đá to từ trên đồi cao lăn xuống làm ách tắc giao thông cục bộ nhưng hiện đã thông xe tạm thời.

Riêng đối với các hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm, tỉnh yêu cầu địa phương khẩn trương di dời đến nơi ở an toàn, thậm chí khi cần thiết các phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân...

Tại Bắc Giang, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, cơn bão số 5 tràn qua địa bàn tỉnh từ chiều ngày 17/8 đến nay đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các công ty khai thác công trình thuỷ lợi yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 5; đề nghị UBND huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang khẩn trương khắc phục các sự cố sạt lở bãi sông và lún nứt mặt đê.

Tại Tuyên Quang, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thiệt hại nặng nhất là huyện Hàm Yên, 32 ngôi nhà của các hộ dân bị tốc mái, 3 cột điện bị gẫy đổ, 1 nhà văn hóa thôn và 1 phòng học bị sập đổ. Mưa to, gió lớn còn làm hàng chục ha lúa, hoa màu trên địa bàn tỉnh bị ngập úng; 25 hộ dân sống ở ven suối xã Kháng Nhật và Sơn Nam (huyện Sơn Dương) phải sơ tán khẩn cấp, do có nguy cơ bị sạt lở, nước cuốn trôi…

Nhiều đường phố Hà Nội chìm trong ngập úng.
Nhiều đường phố Hà Nội chìm trong ngập úng.
 
Tại Phú Thọ, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão cho biết, từ rạng sáng 17/8 đến 16 giờ chiều 18/8, địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to, rất to kèm theo gió lốc trên diện rộng gây thiệt hại nặng ở nhiều huyện, ước tính, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện bão số 5 đã tan nhưng hoàn lưu bão vẫn còn gây mưa diện rộng tại các tỉnh miền Bắc, cùng đó là nguy cơ sạt lở đất và lũ quét ở các địa phương vùng núi phía Bắc.

Mưa to liên tiếp cũng gây những lo lắng bất an về tình hình các hồ chứa thủy lợi ở khu vực phía Bắc do mực nước đang ở mức cao. Một số hồ đang xả qua tràn như Tà keo (Lạng Sơn) 0,8m, Vân Trục (Vĩnh Phúc) 0,47m, Suối Sải (Vĩnh Phúc) 0,5m, Thanh Lanh (Vĩnh Phúc) 0,3m, Đại Lải (Vĩnh Phúc) đang mở điều tiết 03 cửa xả với độ mở 0,6m. Đáng chú ý hồ Từ Hiếu (Yên Bái) trước đây bị sự cố đã sửa chữa, hiện mực nước đang qua tràn 0,3m. Tuy nhiên, theo báo cáo từ cơ quan sở tại chưa có dấu hiệu xảy ra diễn biến bất thường ở hồ này.

Chi tiết thời tiết các địa phương trên cả nước ngày và đêm 20/8  như sau:

Phía tây Bắc bộ, đêm có mưa rào và có nơi có giông, ngày có mưa rào và giông vài nơi; nhiệt độ thấp nhất 22 - 25 độ, cao nhất 29 - 32 độ.

Phía đông Bắc bộ, đêm và sáng sớm có mưa rào và có nơi có giông, sau có mưa rào vài nơi; nhiệt độ thấp nhất 24 - 27 độ, cao nhất 31 - 34 độ.

Khu vực Hà Nội, đêm và sáng sớm có mưa rào và có nơi có giông; sau có mưa rào vài nơi; nhiệt độ thấp nhất 25 - 27 độ, cao nhất 30 - 33 độ.

Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi, ngày nắng, phía nam có nắng nóng; nhiệt độ thấp nhất 24 - 27 độ, cao nhất 32 - 35 độ, riêng phía nam 35 - 37 độ.

Đà Nẵng đến Bình Thuận, chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi, ngày nắng, phía bắc có nắng nóng; nhiệt độ thấp nhất 26 - 29 độ, cao nhất 34 - 37 độ.

Tây Nguyên, có mưa rào và giông vài nơi; nhiệt độ thấp nhất 21 - 24 độ, cao nhất 29 - 32 độ.

Nam Bộ, chiều tối và đêm có mưa rào rải rác và có nơi có nơi có giông, ngày có mưa rào và dông vài nơi; nhiệt độ thấp nhất 24 - 27 độ, cao nhất 31 - 34 độ.

 Phạm Thanh