1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

24 tuổi, Trung uý biên phòng trẻ ngã xuống trong cuộc đọ súng với phỉ

(Dân trí) - Dù trúng đạn, Trung úy Nguyễn Cảnh Dần vẫn lao theo, ôm đối tượng lăn xuống vực. Nén nỗi đau, anh vật lộn, khóa tay đối tượng vào chiếc còng số 8 không cho thoát. Dù được đưa lên tuyến trên cấp cứu nhưng Trung úy Dần không qua khỏi. Anh ngã xuống khi vừa tròn 24 tuổi.

Tháng 3, núi rừng Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bừng lên màu xanh đầy sức sống. Cành đào Mông chỉ còn lơ thơ vài nụ hoa. Những quả đào be bé đã đậu chi chít trên cành, nổi bật bên những mái nhà pơ-mu nâu thẫm. Tháng 3, trời Nậm Càn vẫn se se lạnh, nhất là về đêm và sáng sớm. Ngồi dưới mái nhà gỗ, bên bếp lửa hồng, già làng Lầu Xia Phia (bản Nậm Khiên) kể cho chúng tôi nghe về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – liệt sỹ Nguyễn Cảnh Dần, người đã nằm xuống vì bình yên bản làng biên cương này.

24 tuổi, Trung uý biên phòng trẻ ngã xuống trong cuộc đọ súng với phỉ - 1

Già làng Lầu Xia Phia (thứ 2 từ trái sang) kể chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần (ảnh BĐBP NA).

Sinh năm 1974, quê xã Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An, tốt nghiệp Trường Trung cấp vũ trang nhân dân, Trung úy Nguyễn Cảnh Dần lên nhận nhiệm vụ tại Đồn biên phòng Nậm Càn – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An. Đó là những năm mà tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp do nhiều nhóm phỉ hoạt động, quấy phá, gây chia rẽ mối đoàn kết giữa các sắc tộc và nhân dân hai bên biên giới Việt – Lào.

Thời điểm đó, các ổ nhóm phỉ bị lực lượng chức năng nước bạn Lào tấn công làm cho tan rã. Tuy nhiên, một số nhóm nhỏ vẫn ngoan cố, dạt về khu vực rừng núi biên giới tiếp giáp với các xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An), Nậm Càn và Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) để hoạt động. Ý định lâu dài của chúng là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc Mông để tuyên truyền "lập vương quốc riêng".

Đồng thời, các đối tượng chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, lấy khu vực rừng núi biên giới hiểm trở giữa Nghệ An (Việt Nam) và Xiêng Khoảng (Lào) xây dựng lại lực lượng hoạt động chống phá cách mạng hai nước Việt – Lào.

Để thực hiện ý đồ trên, những nhóm Phỉ đã vượt biên, móc nối, lôi kéo một số phần tử trên các bản làng biên giới Việt Nam tham gia cung cấp, tiếp ứng lương thực, thực phẩm cho chúng. Điều này làm cho tình hình an ninh trật tự ở các bản làng như Huồi Sến, Tân Sơn, Phà Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương), bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn càng trở nên phức tạp.

24 tuổi, Trung uý biên phòng trẻ ngã xuống trong cuộc đọ súng với phỉ - 2
Cán bộ đồn biên phòng Nậm Càn cùng nhân dân tuần tra tuyến biên giới (ảnh H.Đức).

“Thời ấy dân bản còn nghèo lắm, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng xuống từng địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, san sẻ từng bát cơm, manh áo, phân tích cho đồng bào hiểu để không đi theo bọn xấu. Nghe lời vận động của cán bộ biên phòng, đồng bào Mông biết cái đúng, cái phải, kiên quyết không đi theo bọn xấu, không tiếp tế lương thực, thuốc men cho bọn phỉ. Ấy thế nhưng, nhiều người vẫn nghe theo sự xúi dục của phỉ…”, già Phia nhớ lại.

Với quyết tâm bắt giữ các đối tượng để răn đe, giáo dục, Đồn Biên phòng Nậm Càn đã triển khai lực lượng tăng cường đấu tranh. Ngày 22/12/1998, nhận được nguồn tin, nội trong ngày sẽ có một nhóm người thường xuyên tham gia tiếp tế cho hoạt động phỉ trên đất bạn sẽ nhập biên trở về các bản làng, đồn Biên phòng Nậm Càn đã chỉ đạo thành lập tổ công tác gồm 4 người do Trung úy Nguyễn Cảnh Dần làm tổ trưởng mật phục bắt giữ các đối tượng.

Tổ công tác được chia làm 2 mũi, mỗi mũi 2 người để chặn đường tiến, khóa đường lùi của các đối tượng. Đến 20 giờ cùng ngày, khi các đối tượng đã xuất hiện trong vòng mật phục, Trung úy Nguyễn Cảnh Dần ra lệnh yêu cầu các đối tượng dừng lại để kiểm tra. Lợi dụng đêm tối, chúng phá vòng vây bỏ chạy. Ngay lập tức, Trung úy Dần và đồng đội đuổi theo. Khi gần áp sát được thì bất ngờ đối tượng rút súng bắn ngược về phía lực lượng làm nhiệm vụ.

Dù trúng đạn nhưng Trung úy Dần vẫn lao lên, quật ngã đối tượng, ôm địch lăn xuống vực. Cuộc vật lộn giằng co trong đêm tối, khi vết thương trúng đạn rỉ máu, người chiến sĩ biên phòng ấy vẫn cố gắng trấn áp, khống chế, bập còng số 8 vào tay đối tượng, không cho thoát.

24 tuổi, Trung uý biên phòng trẻ ngã xuống trong cuộc đọ súng với phỉ - 3

Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An cùng các đơn vị tài trợ trao nhà tình nghĩa cho mẹ Liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần (ảnh: Bộ đội biên phòng Nghệ An)

Đối tượng được đưa về đồn để phục vụ công tác điều tra, đấu tranh lâu dài với bọn phỉ và tay sai. Trung úy Nguyễn Cảnh Dần sau khi sơ cứu cũng được chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng do vết thương hiểm, mất máu nhiều, người cán bộ biên phòng ấy đã vĩnh viễn ra đi ở cái tuổi 24. Với những đóng góp để giữ vững an ninh biên giới, ngày 11/6/1999, Trung úy Nguyễn Cảnh Dần được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

“Noi theo tấm gương anh dũng của cán bộ Dần, bà con dân bản cũng như nhân dân biên giới cùng nhau đoàn kết, đẩy đuổi bọn phỉ, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động tham gia và tiếp tế cho các nhóm phỉ. Bình yên của bản Nậm Khiên, của nhân dân biên giới mang ơn Đảng, Nhà nước và bộ đội biên phòng, bộ đội Dần nhiều lắm”, già Phia cời bếp lửa hồng thêm, nói như tâm sự với chính mình.

Hoàng Lam