1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

2018, TPHCM chi hơn 2.300 tỷ đồng tăng thu nhập cho cán bộ

(Dân trí) - Theo đề án thí điểm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TPHCM quản lý, năm 2018, TPHCM cần chi 2.342 tỷ đồng để tăng nhập cho người hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Dự kiến, đề án trên sẽ được trình lên HĐND TPHCM tại kỳ họp bất thường vào giữa tháng 3. Đây là đề án nằm trong số 21 nội dung, đề án của UBND TPHCM triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Việc chi trả thu nhập tăng thêm đảm bảo nguyên tắc gắn với hiệu quả công việc và không cào bằng
Việc chi trả thu nhập tăng thêm đảm bảo nguyên tắc "gắn với hiệu quả công việc" và "không cào bằng"

Theo đề án, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm trong năm 2018 là 0,6 lần, năm 2019 tăng lên 1,2 lần và đến năm 2020 thì tăng thêm 1,8 lần. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ 1/4/2018 đến 31/12/2020.

Đối tượng được chi trả thu nhập tăng thêm là cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn được cơ quan thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Nguyên tắc thực hiện chính sách chi trả tăng thêm đảm bảo “gắn với hiệu quả công việc” và “không cào bằng”. Việc chi trả căn cứ vào kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hàng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện TPHCM có 11.645 công chức, 122.157 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Theo đó, dự kiến nhu cầu kinh phí để tăng thu nhập năm 2018 là hơn 2.342 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2019-2020, kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm được xác định dựa trên ngạch bậc, chức vụ của công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách được hưởng lương từ ngân sách thành phố; ngoài ra còn dựa theo lộ trình tăng lương của Chính phủ và hệ số điều chỉnh tăng thu nhập hàng năm dựa trên khả năng cân đối ngân sách.

Theo đề án, tiền chi trả thu nhập tăng thêm được lấy từ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành, được sử dụng theo trình tự như sau: nguồn cải cách tiền lương của từng đơn vị từ năm trước chuyển sang; nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cấp theo quy định; nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ nguồn thu để lại hàng năm theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Sau khi sử dụng hết các nguồn cải cách tiền lương nên trên, trường hợp nhu cầu kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm còn thiếu so với nguồn hiện có, các cấp ngân sách sẽ xem xét bố trí nguồn cải cách tiền lương của ngân sách cho đơn vị thực hiện chi trả theo quy định.

Đối với nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại cấp ngân sách quận, huyện, trường hợp nguồn kinh phí nhỏ hơn nhu cầu kinh phí thực hiện thì ngân sách thành phố sẽ xem xét bổ sung phần chênh lệch thiếu từ nguồn cải cách tiền lương cấp thành phố.

Để tạo nguồn cải cách tiền lương, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải trích 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) nguồn thu được để lại hàng năm.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm