1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

200.000 liều vắc-xin mới chắc chắn sẽ trị heo tai xanh hiệu quả

(Dân trí) - Tiến sĩ Tô Long Thành - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương (Bộ NN&PTNT) - nhận định: hơn 200.000 liều vắc-xin mới nhập về đang được khảo nghiệm và sẽ chắc chắn sẽ trị dịch heo tai xanh hiệu quả hơn các loại vắc-xin trước đây.

PV: Thưa tiến sĩ, ông lý giải thế nào về tình trạng dịch heo tai xanh đang lây lan rộng ở miền Nam như hiện nay?

 

TS Tô Long Thành: Dịch heo tai xanh xuất hiện đầu tiên trên diện rộng ở nước ta là vào tháng 3/2007 ở Bắc bộ. Tới tháng 3/2008, dịch lại bùng lên ở miền Trung, hàng vạn con heo bị chết. Năm 2009, mặc dù dịch có dịu đi một chút nhưng bắt đầu từ đầu năm 2010 cho tới nay, dịch lại bùng lên và lây lan nhanh ở cả miền Nam và miền Bắc.

200.000 liều vắc-xin mới chắc chắn sẽ trị heo tai xanh hiệu quả - 1
Tiến sĩ Tô Long Thành trong buổi trao đối với phóng viên. (Ảnh: V.Phúc)
 

Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do không kiểm soát được việc vận chuyển heo dịch giữa các địa phương. Bởi vì, sau nhiều năm xảy ra dịch, mầm dịch tai xanh hiện có ở khắp mọi nơi. Bình thường thì virus không gây nên dịch nhưng gặp điều kiện về nắng nóng, môi trường ô nhiễm, chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh thì dịch càng có cơ hội bùng nổ.

 

Thêm nữa, dịch thường bùng lên vào hai thời điểm là tháng 3 và tháng 7-8 vì đây là hai thời điểm việc vận chuyển heo để bắt đầu một lứa chăn nuôi mới giữa các địa phương, giữa ba miền Bắc-Trung-Nam diễn ra mạnh. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là chưa có vắc-xin hữu hiệu.

 

Tại sao dịch “heo tai xanh” đã tồn tại hơn 4 năm mà  đến nay chúng ta mới triển khai đưa vắc-xin nhập ngoại vào  giúp người chăn nuôi, thưa ông?

 

Hiện nay có 4 loại vắc-xin đã được cấp phép sử dụng trong nước. Trong đó, hai loại đầu tiên là vắc-xin nhược độc Hipra và Besta được đăng ký vào những năm 2000 sau khi heo của chúng ta phát hiện dương tính với virus gây tai xanh vào cuối năm 1996. Đến năm 2007 và 2008, khi dịch tai xanh bùng lên dữ dội thì chúng ta lại khảo nghiệm thêm hai loại vắc-xin khác là vắc-xin tai xanh vô hoạt của Trung Quốc và vắc-xin tai xanh nhược độc của hãng BI. 

 

Mặc dù hiện cả hai loại vắc-xin trên đều đang được phép sử dụng trong nước, nhưng do chưa có hiệu nghiệm thực sự, sau khi tiêm heo vẫn có thể mắc tai xanh, nên Bộ NN-PTNT không chính thức khuyến cáo nông dân sử dụng, mà việc sử dụng chủ yếu là do nhu cầu của các chủ trại, ai thích dùng thì dùng, chứ không như vắc-xin phòng chống cúm gia cầm là do nhà nước bỏ tiền mua và bắt buộc các địa phương phải tiêm phòng. 


200.000 liều vắc-xin mới chắc chắn sẽ trị heo tai xanh hiệu quả - 2
Theo TS Thành, vắc-xin nhược độc mới được nhập về chắc chắn sẽ có hiệu quả. (Ảnh: Internet) 

Cho đến nay, mỗi lần dịch heo tai xanh bùng phát trở lại, người chăn nuôi lại bị thiệt hại rất nặng. Do đó, cách đây một tháng, sau khi dịch heo tai xanh bùng phát mạnh, lây lan rộng vào cả miền Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo chúng tôi bằng mọi giá phải tìm ra vắc-xin trị heo tai xanh hữu hiệu.

 

Hiện chúng tôi đang nhập về hơn 200.000 liều vắc-xin tai xanh nhược độc (vắc-xin sống) của Trung Quốc. Cũng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bộ đã  giao cho Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương khảo nghiệm các loại vắc-xin tai xanh hiện có, đặc biệt là vắc-xin nhược độc của Trung Quốc vừa nhập về, để sớm có vắc-xin giúp người chăn nuôi ứng phó với dịch tai xanh.

 

Trên thế giới đã có nhiều loại vắc-xin trị heo tai xanh chưa thưa tiến sĩ? Ông có cho rằng vắc-xin nhập về lần này sẽ là “thần dược” để trị heo tai xanh không?

 

Trên thế giới đã có nhiều song chủ yếu là vắc-xin phục vụ cho việc trị virus thể độc lực thấp. Trong khi virus gây dịch tai xanh ở nước ta hiện nay là thể độc lực cao, việc chữa trị khó khăn, dịch cũng nguy hiểm hơn, cần phải có vắc-xin phù hợp.

 

Hiện nay chúng tôi vẫn đang tiến hành kiểm nghiệm và khảo nghiệm. Theo như kinh nghiệm của Trung Quốc đã sử dụng từ năm 2009 tới nay thì vắc-xin này là một công cụ hữu hiệu để phòng trừ dịch tai xanh. Cách đây một tháng và trong năm 2009, Trung Quốc đã triển khai tiêm vắc-xin này cho 26 tỉnh so với 6 tỉnh tiêm khảo nghiệm vào năm 2008. Trước đó, Trung Quốc đã từng sản xuất ra loại vắc-xin vô hoạt. Bởi vậy, vắc-xin nhược độc hiện nay chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt hơn.
 

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, trước đây đàn heo chủ yếu mắc virus PRRS châu Âu và Bắc Mỹ có độc lực thấp. Trong khi, theo kết quả phân tích type virus gây bệnh đã gửi sang Hàn Quốc để giải mã gen thì tất cả các mẫu bệnh phẩm heo tai xanh của Việt Nam (cả miền Bắc và miền Nam) đều thuộc nhóm virus PRRS có độc lực cao ở Trung Quốc năm 2006. Do đó, Việt Nam sẽ phải khẩn trương tìm kiếm, khảo nghiệm tất cả các loại vắc-xin phòng chống bệnh heo tai xanh đang lưu hành trên toàn cầu, thậm chí có thể hợp tác với những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này để sớm đưa ra loại vắc-xin phù hợp với Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Q.Đô - V. Phúc