1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

20.000 định mức xây dựng lạc hậu, nguy cơ tiêu cực, tham nhũng

(Dân trí) - Hệ thống định mức, đơn giá xây dựng với trên 20.000 hạng mục khác nhau đã có từ quá lâu, quá lạc hậu. Qua thanh kiểm tra, việc áp dụng thực hiện thể hiện sự lộn xộn, đẩy tăng chi phí thi công, dẫn tới tiêu cực, thất thoát vốn, nguy cơ tham nhũng lãng phí…

Đây là nhận định chung được đưa ra lại Hội nghị triển khai đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng được phê duyệt tại Quyết định số 2038 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Xây dựng sáng 18/5.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì hội thảo
Lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì hội thảo

Giới thiệu về đề án Chính phủ giao Bộ Xây dựng triển khai, TS. Phạm Văn Khánh – Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng đề cập thực tế, sự biến động giá những năm qua tác động rất lớn đến việc triển khai các công trình xây dựng, nhất là những công trình sử dụng vốn nhà nước.

Các định mức lại được xây dựng quá lâu, không được cập nhật nên lạc hậu. Việc vận dụng của các chủ thể, qua thanh kiểm tra cho thấy rất lộn xộn, chủ yếu là đẩy tăng chi phí dự toán, dẫn tới tiêu cực, thất thoát vốn.

Vậy nên việc hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị phù hợp với kinh tế thị trường đã công bố là để khắc phục những bất cập bộc lộ.

Trong năm 2018, các cơ quan sẽ phải rà soát các định mức đã công bố, làm được các phương pháp xây dựng định mức và giá mới. Ông Khánh cho biết, tổng cộng hiện tại có hơn 20.000 định mức (Bộ Xây dựng công bố gần 18.000 định mức, các bộ chuyên ngành, địa phương ban hành hơn 2.000 định mức khác).

Cục trưởng Khánh dẫn chứng, về nhân công, hiện trong hệ thống đơn giá mới chia ra 2 nhóm với định mức chênh nhau 13% trong khi thực tế có tới 50 loại công việc khác nhau trong lĩnh vực xây dựng mà mức chênh giữa loại nhân công thấp nhất với cao nhất lên tới 600%.

Tương tự, việc xác định định giá ca máy hiện cũng đã quá lạc hậu. Một cẩu tháp hoạt động trong điều kiện chiều cao như nhau, công trình như nhau nhưng đặt ở mặt bằng 5000m2 so với mặt bằng 2000m2 thì hiệu suất công việc cũng đã khác nhiều hoặc trong điều kiện thi công có thể hoạt động 24/24 cũng rất khác so với việc chỉ có thể thi công trong đêm… dẫn đến mức chênh giá thuê máy.

Kế hoạch cụ thể thực hiện đề án trong giai đoạn 2 (đến năm 2021), TS.Phạm Văn Khánh khái quát khối lượng công việc đồ sộ khi các cơ quan phải xây dựng hệ thống định mức, đơn giá mới, theo phương pháp điều tra thị trường mới; phổ biến, công bố các tập định mức, giá mới lập; đào tạo, nâng cao năng lực các chủ thể để lập và quản lý hệ thống này cũng như xây dựng cơ sở dữ lệu quốc gia về định mức, giá xây dựng.

Xét giá, Việt Nam “thoáng tay” hơn nhiều Nhật Bản

Đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp xây dựng góp ý kiến xây dựng hệ thống định mức, đơn giá mới
Đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp xây dựng góp ý kiến xây dựng hệ thống định mức, đơn giá mới

Tại hội thảo, chuyên gia JICA (Nhật Bản) nhận xét, hiện tại, những rà soát về giá vật liệu cho thấy nhiều bất hợp lý trong hệ thống định mức đang áp dụng khi tại Việt Nam không tính tới khối lượng vật liệu mua sắm. Cùng một loại vật liệu, như sắt thép hay xi măng thì dù nhà thầu mua với khối lượng bao nhiêu, ít hay nhiều cũng vẫn chỉ áp một đơn giá duy nhất. Chuyên gia Nhật Bản khuyến cáo, cần tính đến khối lượng giao dịch trong đơn giá vật liệu, ví dụ, mua hàng trong khoảng 1-5 tấn thì mức giá phải khác với việc mua một lần số lượng tới 50-200 tấn.

Vị chuyên gia JICA cũng so sánh, cách tính đơn giá máy ở Việt Nam thấp hơn ở Nhật khi nhiều yếu tố như hiệu suất làm việc, số giờ hoạt động, mức nhiên liệu tiêu thụ… của máy không được tính tới. Ông này dẫn chứng,để thuê máy súc, máy ủi tại Nhật Bản, đơn giá cần tính toán với từng giờ làm việc cụ thể, hay như cũng là máy súc nhưng mục đích sử dụng để đào đất hay để san lấp mặc bằng, bốc hàng… đều có đơn giá khác nhau, trong khi ở Việt Nam, các nhà thầu chỉ tính theo ca máy, quy chung trong một mức.

Chuyên gia nước ngoài khuyến cáo, cần xác định định mức ca máy trên máy mới chứ không phải máy cũ, tính cả định mức tiêu hao máy móc, chuyển cách tính giá theo giờ thay vì theo ca, theo ngày làm việc.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Lã Hồng Hạnh nhận xét, hệ thống định mức chủ yếu được định mức từ lâu, trên cơ sở công nghệ, thiết bị thi công lạc hậu, năng suất lao động thấp nên chưa theo kịp tiến độ khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới, dẫn đến giá trị dự toán chi phí xây dựng không phản ánh được chính xác chi phí thực tế thi công công trình.

Cùng tham gia đề án lần này, đối với hệ thống định mức chuyên ngành gồm các định mức duy tu, bảo trì, bảo dưỡng đường bộ/đường sắt/đường hàng không/đường thuỷ nội địa/đường hàng hải, Bộ Giao thông đã rà soát để điều chỉnh, bố sung, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Đối với hệ thống định mức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bà Hạnh khẳng định, Bộ này cũng đã rà soát theo điều kiện thiết bị và công nghệ thi công hiện nay, đối chiều với hệ thống định mức đã công bố. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh trên 730 định mức, trong đó ưu tiện thực hiện sớm 550 định mức ảnh hưởng lớn đến giá thành công trình, như định mức đào/đắp đất nền đường, thi công kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, thoát nước, thi công các kết cấu công trình cầu…

Nữ Phó Cục trưởng cũng nêu vấn đề, có nhiều loạ công trình kết cấu hạ tầng phức tạp mà nhiều hạng mục công việc thuộc về bí quyết, công nghệ riêng của nhà thầu thi công như căng kéo cáp dây văng, thi công trụ tháp bắng khuôn trượt, khuôn leo, thiết bị đường sắt đô thị… thì việc xây dựng định mức gần như không thể thực hiện được.

Bà Lã Hồng Hạnh đề nghị xây dựng cơ chế để xác định giá xây dựng thông qua giá bỏ thầu hoặc qua suất đầu tư của các công trình tương tự đã thực hiện trước đó nhằm phản ánh đúng chi phí thi công thực tế, tránh trường hợp áp giá quá cao hoặc quá thấp, gây khó khăn cho việc lựa chọn nhà thầu hoặc tạo ra tham nhũng, lãng phí.

P.Thảo