1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

200 hộ dân chung cư Hà Nội than "bị bỏ rơi"

(Dân trí) - Thang máy hỏng, sân sụt lún, đường thoát nước thải ngập úng… là những sự cố thường xuyên xảy ra đối với 200 hộ dân tại chung cư 4F Trung Yên (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Người dân cho biết họ đã nhiều lần “kêu” với Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội nhưng "không thấu".

Nhà xuống cấp, đường ống nước sạch bị vỡ

Theo phản ánh của các hộ gia đình đang sinh sống tại toà nhà chung cư 4F, sự cố gần đây nhất xảy ra tại toà nhà này là vào ngày 1/5. Người dân ở toà chung cư này bất ngờ thấy từ dưới nền nhà tầng 1, nước phun lên thành vòi khiến toàn bộ đường cấp nước sạch từ trên tầng thượng đồng loạt “tắc tịt”. Trong phút chốc, vòi nước phun lên ngập tràn diện tích của khu nhà để xe.


200 hộ dân sống tại chung cư 4F than khổ vì đủ loại rắc rối từ nhiều năm nay.

200 hộ dân sống tại chung cư 4F than khổ vì đủ loại rắc rối từ nhiều năm nay.

Sau đó, người dân phát hiện đường ống cấp nước chôn dưới đất đã bị vỡ. Sự cố được báo ngay tới đơn vị quản lý tòa nhà là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị và Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy.

Tuy nhiên nhiều ngày sau đó trôi qua, việc khắc phục sự cố vẫn chưa thể hoàn thiện.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Ban quản trị nhà 4F bức xúc cho biết: “Cư dân nhà 4F đều là các gia đình đã từng bị thu hồi đất nhường chỗ cho dự án xây dựng đường sắt trên cao. Từ năm 2007, khi chuyển về toà chung cư này, chúng tôi như các hộ dân bị bỏ rơi. Đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cùng doanh nghiệp vận hành là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị dường như đã cố tình lãng quên chúng tôi.

Tòa nhà 4F bị xuống cấp rất nghiêm trọng mà không hề được duy tu, bảo dưỡng. Các hạng mục công trình phục vụ sinh hoạt cho người dân đều hư hại nặng. Chúng tôi đã kiến nghị, đơn thư rất nhiều lần nhưng không được khắc phục”.

Theo ông Bình, chính vì sự quản lý thiếu trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cùng Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị nên sau đó Ban quản trị nhà 4F đã ký hợp đồng quản lý vận hành với một doanh nghiệp khác. Nhưng 2 đơn vị trên không chịu bàn giao công tác quản lý vận hành cho người dân.

Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều hạng mục công trình Ban quản trị chung cư 4F không thể đứng ra giải quyết dứt điểm; trong đó có hạng mục xử lý và cung cấp nước sạch.

Loanh quanh tìm cách giải quyết

Cũng theo ông Bình, riêng về vấn đề nước sạch, hiện tại Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy đang thu tiền sử dụng nước của các hộ dân tới đồng hồ tại các gia đình, theo giá quy định như ở các chung cư tái định cư khác. Nhưng trên thực tế, người dân của chung cư 4F chỉ được cấp nước đến bể lớn tại sân chung cư.


Sau sự cố vỡ đường ống nước sạch, tầng hầm toà nhà chung cư 4F mênh mông nước.

Sau sự cố vỡ đường ống nước sạch, tầng hầm toà nhà chung cư 4F mênh mông nước.

Toàn bộ việc thuê người bơm nước, trả tiền điện, bảo dưỡng sửa chữa máy bơm, đường ống, người dân đều phải bỏ tiền tự lo; mỗi tháng tốn hàng chục triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cho biết: “Về nguyên tắc, khi người dân đã chuyển về nhà 4F thì Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cùng Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị phải bàn giao lại toàn bộ các hạng mục như cấp nước, thoát nước, thu gom rác, điện lực, thông tin… cho các đơn vị chuyên ngành.

“Tuy nhiên, do hiện nay chúng tôi chưa được nhận bàn giao các hạng mục do mình quản lý nên rất khó để có thể giải quyết dứt điểm”, ông Cương cho biết.

Như vậy toàn bộ các hạng mục cung cấp nước sạch của tòa nhà 4F Trung Yên vẫn đang nằm dưới sự quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cùng Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị kể từ năm 2007.

Bản thân cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cũng nhận định: “Hạ tầng nước sạch của tòa nhà này đã… “nát bét”. Thế nhưng bây giờ chúng tôi tiếp quản thì lại không có hồ sơ hoàn công và biên bản định giá tài sản. Chúng tôi cũng đã dự trù kinh phí để sửa chữa cho người dân nhưng vì chưa bàn giao nên việc này không thể thực hiện được. Do đó chỉ có người dân nơi đây là phải tiếp tục… chịu khổ”.

Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm