1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

40 năm ngày giải phóng Khe Sanh:

20 năm một hành trình tìm đồng đội

(Dân trí) - 40 năm trước, vào đúng ngày 9/7/1968, tiếng súng cuối cùng đã dứt trên mảnh đất Khe Sanh, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) trở thành huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Trận chiến đã kết thúc, nhưng ông chưa dừng bước hành quân…

Đội quy tập nghĩa tình

 

Những năm 1967 - 1968, ông Mai Thanh Hùng (ở khối 3b, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) sát cánh cùng anh em, đồng chí các sư đoàn 304, 305, 325, 328… chiến đấu giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa. Nghĩa tình đồng đội, sự đùm bọc che chở lẫn nhau, là thứ quý giá nhất, thiêng liêng nhất mà ông mãi giữ gìn đến bây giờ.

 

Năm 1988, ông về hưu sau nhiều năm phục vụ cho quê nhà tại huyện đội Hướng Hoá. “Về hưu không có nghĩa là nghỉ ngơi”, ông trăn trở hằng đêm. “Mình quá hạnh phúc so với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống và vẫn còn nằm lại giữa rừng sâu”. Vậy là ông quyết định phải làm một việc gì có ích để đền đáp, báo công với những anh em đã ngã xuống. “Đúng rồi, việc đó chỉ là tiếp tục lên đường, tiếp tục hành quân, hành quân để đưa anh em, đồng đội về với quê hương, gia đình”.

 

Ước nguyện đó đã trở thành hiện thực vào đầu năm 1989, Đội tình nguyện quy tập mộ liệt sĩ của Hội Cựu chiến binh thị trấn Khe Sanh - Hướng Hóa ra đời. Cũng từ đó, ông trở về với những cuộc hành quân năm xưa, băng rừng lội suối hàng tháng trời để tìm thi thể đồng đội trên đất Hướng Hóa và nước bạn Lào.

 

Đội tình nguyện quy tập mộ liệt sĩ ban đầu gồm 12 đồng chí, trong đó có 5 đồng chí là người dân tộc Vân Kiều và PaKô, 4 là thương binh nặng. Trải qua thời gian, qua bao gian khổ, đội quy tập năm xưa giờ chỉ còn lại mình ông, vẫn tráng kiện ở cái tuổi 64.

 

Đã 20 năm trôi qua, đội tình nguyện quy tập mộ liệt sĩ đã tìm thấy hơn 1.500 liệt sĩ tại gần 200 điểm quy tập trên khắp Khe Sanh - Hướng Hóa và Lào. Ông cùng anh em trong đội quy tập đã đi một quãng đường dài không sao kể xiết, đã trải qua vô vàn khó khăn, nguy hiểm rình rập, nhưng ông vẫn mãi tâm niệm: “Còn sức khỏe, còn đi được, tôi sẽ vẫn tiếp tục hành quân”.

 

Những cuộc hành quân giữa thời bình

 

Ông kể lại chuyến qua Mường Nòng, Lào bốc mộ, phải bán tư trang mà lòng không khỏi bồi hồi. Lần đó, vào năm 1992, theo tin báo của bà con dân bản bên Lào, có 12 mộ, nhưng khi qua đến nơi, số liệt sĩ tìm thấy lên đến 70. Vậy là ông và các đồng đội đi cùng phải bán đồng hồ, nhẫn, dây chuyền để mua gạo ăn, ở lại bốc cho bằng hết mộ đồng đội mới trở về.

 

Hay những hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số mà ông phải tuân theo mới được bốc mộ. Nhiều lần vào bản, ông phải cúng gà, lợn, dê... Hay như mới đây, tháng 05/2008, ông phải cúng bản hơn 2,5 triệu đồng. Anh em phải vét hết tiền trong túi, bản thân ông còn đứng ra vay của bản mới đủ tiền cúng. Đó là lần bốc mộ tại thôn Hò Le, xã Húc, huyện Hướng Hóa.

 

Không những thế, vì phong tục tập quán của bà con không cho mang hài cốt qua bản làng, nên không ít lần ông và đồng đội phải cõng hài cốt trên lưng, băng rừng băng suối 3 - 4 ngày đêm mới về đến đường chính.

 

Những chuyến đi dài của ông, có khi 15, 20 ngày một chuyến, cũng có khi cả tháng trời nằm lại giữa rừng sâu. Lủi rừng, băng rừng, ăn giữa rừng, ngủ giữa rừng, bị rắn rết, sên vắt, ong cắn hay sốt rét là chuyện thường.

 

Ông vẫn nhớ, năm 1994, Đội quy tập vào làng Eo, xã Đakrông, huyện Đakrông thì gặp hổ. Ông Hùng và 3 anh em khác phải ẩn nấp 4 ngày 4 đêm liền. Sợ hổ thì ít, mà sợ không đưa được đồng đội về với quê hương thì nhiều. May thay, lần đó ông được dân bản tới cứu. Và đó cũng là lần đáng nhớ, ông tìm được 54 hài cốt.

 

Hay như lần leo núi ở gần điểm cao Động Tri 1009 mét, nửa ngày leo lên, nửa ngày leo xuống, núi cao cả nghìn mét. Dù biết nguy hiểm, ông vẫn quyết tâm leo đến đỉnh để đưa đồng đội xuống.

 

Cũng nhớ mãi không quên, năm 2002, ở thôn Trĩa, Hướng Sơn, Hướng Hóa, biết có đồng đội ở trong hang, nhưng một con hổ chúa to nằm ngay cửa hang. Vậy là ông thắp hương khấn nguyện đồng đội phù hộ để vào hang. Ông một tay cầm đèn pin, một tay cầm dao đi vào hang đá hơn 1 tiếng để đưa đồng đội ra. Đến giờ nhớ lại, ông còn cảm thấy nổi da gà.

 

Ly nước chè đã cạn, mà chuyện hãy còn dài. Hành trình 20 năm tìm mộ liệt sĩ sẽ còn được viết tiếp vào nay mai, ông sẽ tiếp tục hành quân. Mong muốn lớn nhất của ông chỉ là “đưa đồng đội về càng nhiều, càng nhanh càng tốt”.

 

Khó khăn là muôn vàn, nhưng không khó khăn nào có thể ngăn cản ông tìm đến với đồng đội. Ngày ngày, ông vẫn chăm chỉ làm vườn, vẫn tích cóp từng đồng lương hưu để chuẩn bị cho những chuyến đi sau.

 

Bảo Nguyên