1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

20 luật sư bảo vệ quyền lợi nạn nhân chất độc da cam VN

“Trong văn bản bác đơn kiện, thẩm phán Weinstein đã dùng những câu khó hiểu như một kiểu chơi chữ. Chúng ta đang chuẩn bị tài liệu để lật lại quan điểm của ông Weinstein”, luật sư Lưu Văn Đạt cho biết về diễn tiến của vụ kiện vì công lý.

Xin ông cho biết, phía Việt Nam đang làm gì để chuẩn bị cho phiên tranh tụng sắp tới?

 

Thực ra khi bị chúng ta bị bác đơn ở tòa sơ thẩm không có nghĩa là đã thua, vì vụ kiện mới đang ở phần tiền xét xử, nghĩa là mới trong giai đoạn thủ tục. Nếu tòa phúc thẩm quyết định chấp thuận xét xử thì lúc đó ta mới đến bước hai của giai đoạn 1.

 

Hiện, chúng ta chuẩn bị hồ sơ cho việc tranh tụng trên văn bản. Tòa quy định văn bản chỉ được viết trong phạm vi 28 nghìn từ. Do đó, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ phải thảo luận với các luật sư để viết thật cô đọng và có tính thuyết phục. Ngoài nội dung cũ, chúng ta cần có thêm phần quan hệ nhân quả của chất độc dioxin với các bệnh tật về cả tính pháp lý và khoa học. Tháng 9, các luật sư Mỹ sẽ sang Việt Nam để thảo luận và tìm thêm các chứng cứ.

 

Nội dung tranh tụng sẽ bàn về vấn đề gì, thưa ông?

 

Vào Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ tổ chức buổi giao lưu đối thoại trực tiếp "Công lý của trái tim” trên VTV1. 3 bộ phim về quá trình quân đội Mỹ rải loại chất độc hại nhất mà loài người đã tìm ra ở Việt Nam và những hậu quả của nó sẽ được trình chiếu, đưa đến một cái nhìn rõ hơn về hậu quả của chất độc dioxin và vụ kiện chất độc da cam/dioxin.

 

Hiện, trung ương Hội đã nhận được hơn 12,1 triệu chữ ký từ trong và ngoài nước ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trong vụ kiện này. Trang web http://www.petitiononline.com/AOVN do ông Len Aldis kêu gọi sự ủng hộ cho vụ kiện dioxin cũng thu được gần 700 chữ ký.

Trong văn bản bác đơn kiện, thẩm phán Weinstein có viết "Chất da cam và những chất khác đã sử dụng mà được nêu trong vụ kiện này được đặc trưng là những chất diệt cỏ chứ không phải là những độc tố. Chất này gây ra nhiều hậu quả tương tự như hậu quả của chất có độc đối với con người và môi trường, nhưng hậu quả này không thay đổi tính chất của chất diệt cỏ trong vụ kiện này".

 

Có thể nói, những câu từ này rất khó hiểu và được thẩm phán dùng như một kiểu chơi chữ. Nếu suy luận thì sẽ hiểu là chất da cam không độc, như vậy sẽ không thể quy được vào là vũ khí hóa học dùng trong chiến tranh và sẽ không có luật pháp nào có thể quy trách nhiệm được.

 

Nội dung tranh tụng sẽ còn chờ thảo luận với các luật sư người Mỹ, nhưng chủ yếu tập trung nêu bật vấn đề độc tố dioxin trong chất da cam là vũ khí hóa học, để lật lại quan điểm của thẩm phán Weinstein. Ngoài ra, sẽ có một số vấn đề khác nữa.

 

Vậy theo pháp luật Mỹ, thì chúng ta sẽ có thuận lợi và khó khăn gì?

 

Hệ thống luật Mỹ là hệ thống án lệ, không dựa hoàn toàn vào pháp luật mà phụ thuộc rất nhiều vào những bản án trước đó. Những điều gì không có trong luật pháp sẽ được xử lý dựa vào án lệ tức là theo bản án trước đó. Tòa ở cấp thấp bao giờ cũng dựa theo những phán quyết của tòa cao hơn. Vụ kiện dioxin có tiền lệ là trong vụ các cựu chiến binh Mỹ kiện các công ty sản xuất hóa học đã được chấp nhận xét xử. Chúng ta sẽ có nhiều thuận lợi là sẽ được chấp nhận đơn kiện và có thể được xét xử tại tòa. Tuy nhiên, vụ án cựu chiến binh Mỹ lại kết thúc bằng thỏa thuận ngoài tòa án, do đó chưa có phán quyết nào của tòa án để có một tiền lệ.

 

Tại hội đồng sơ thẩm chỉ có một vị thẩm phán là ông Weinstein nhưng lên phúc thẩm sẽ có 3 vị. Hiện nay, Tòa phúc thẩm có 9 vị thẩm phán, nên chưa biết ai sẽ là người thụ lý. Điều này cũng rất quan trọng vì quan điểm của thẩm phán cũng phần nào ảnh hưởng đến phán quyết.

 

Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn vì “chơi” trên sân của bên bị, theo luật của bên bị chứ không phải luật chung. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra vụ kiện, Chính phủ Mỹ đã có những can thiệp trực tiếp. Họ đã ra văn bản yêu cầu tòa bác đơn của các nạn nhân.

 

Ngay tòa phúc thẩm lúc đầu cũng đã đưa ra một lịch trình nộp văn bản với thời gian ngắn, không đủ để chuẩn bị và trái với thông lệ của pháp luật Mỹ, rất bất lợi cho phía Việt Nam. Do đó, các luật sư đã có kiến nghị đổi lại lịch trình như hiện nay và đã được chấp thuận.

 

Trước những khó khăn như vậy chúng ta có mời thêm luật sư và đưa thêm hồ sơ các nạn nhân mới?

 

Lần này chúng ta có 4 văn phòng luật sư và một số luật sư độc lập khác, tổng cộng khoảng 20 người. Đây là những người có tâm và đồng cảm với các nạn nhân da cam. Đến nay, họ chưa nhận được một đồng tiền công nào, thậm chí còn phải bỏ thêm tiền để lo cho vụ kiện, nhưng họ làm việc rất nhiệt tình và đầy tâm huyết.

 

Về phía các nạn nhân, chúng ta sẽ không đưa thêm hồ sơ nào nữa vì tòa phúc thẩm chỉ tiếp nhận hồ sơ của tòa sơ thẩm. Khi nào xét xử thực tế tòa mới có thể tiếp nhận bổ sung.

 

Ngoài vấn đề về pháp lý, chúng ta có hoạt động gì để vận động cho vụ kiện?

 

Trước đây Mỹ đã phải rút quân khỏi Việt Nam một phần là nhờ dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận tại Mỹ cực lực lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Chính vì vậy, lần này chúng ta cũng sẽ có những buổi giao lưu, nói chuyện để người dân Mỹ hiểu rõ hơn về vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam. Ngoài ra, Pháp cũng sẽ tổ chức một hội nghị vận động hàng chục nước cùng lên tiếng ủng hộ các nạn nhân. Chúng ta cũng vận động các luật gia phân tích bản án để gửi đến tòa án phúc thẩm, vận động sự đồng minh của các Cựu chiến binh Mỹ và New Zealand. Có thể nói dư luận có một sức mạnh rất lớn, chúng ta cần phát huy sức mạnh đó. 

 

Tóm tắt diễn tiến vụ kiện

- 16h45' chiều thứ 6 ngày 30/1, đơn kiện gửi đến tòa Brooklyn vừa kịp trước khi tòa đóng cửa. Ba nạn nhân đầu tiên đứng đơn là: bà Phan Thị Phi Phi, bà Dương Quỳnh Hoa và ông Nguyễn Văn Quý.

- 18/3/2004, Hội nghị tiền xét xử. Thẩm phán J.B Weinstein tuyên bố các luật sư cần củng cố chứng cứ (bên nguyên) và ý kiến phản bác (bên bị) để sau 6 tháng nữa sẽ mở phiên tranh tụng trước Toà, sau đó mới quyết định có thụ lý (xét xử) vụ kiện hay không.

- Cuối 8/2004, luật sư đại diện 37 công ty hoá chất Mỹ gửi văn bản đến Toà án xin lùi lại phiên tranh tụng.

Phiên tranh tụng này hoãn lại nhiều lần (đến 3/12/2004, 13/1/2005, rồi 28/2/2005).

13/9/2004, phía nguyên đơn bổ sung đơn kiện, đưa tổng số nguyên đơn lên 28.

2/11/2004, phía bị đơn trình Toà xin phán quyết sơ khởi – bác bỏ vụ kiện, nhưng không được Thẩm phán J.B Weinstein chấp nhận và quyết định 28/2/2005 sẽ mở phiên tranh tụng.

- 18/1/2005, phía nguyên đơn trình Toà giác thư

- 8/2/2005, phía bị đơn có văn bản phản hồi

- 28/2/2005, diễn ra phiên tranh tụng đầu tiên. Luật sư của các bên phát biểu trước Toà theo thứ tự:

+ bị đơn : 3 giờ

+ nguyên đơn: 1 giờ 30 phút

+ luật sư của Trung tâm quyền Hiến pháp: 1 giờ 30 phút

+ “ Bạn của Toà” (Amicus) ủng hộ nguyên đơn: 30 phút

+ luật sư cựu chiến binh Mỹ: 1 giờ30 phút

(bị đơn: 3 giờ; nguyên đơn + ủng hộ: 3 giờ 30 phút; luật sư của Chính phủ: 1 giờ 30 phút)

Nội dung tranh tụng xoay quanh các vấn đề:

1/ Thời hiệu

2/ Luật quốc tế và tội ác chiến tranh

3/ Tư ­cách khiếu kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

4/ Thẩm quyền xét xử của Toà

5/ Vấn đề thanh khiết môi trường

 

Theo Trịnh Vũ
VnExpress