1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

15 lần đại phẫu thuật giành giật một mạng sống

Đây chính là ca phẫu thuật kỳ tích đi vào lịch sử của Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) và ngành Bỏng nước nhà. Bệnh nhân là Đào Quốc H, 28 tuổi (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), bị bỏng ngày 27/2/2007 do tai nạn lao động cháy cồn trong khi đúc khuôn công nghiệp.

15 lần cắt ghép da theo kiểu... tem thư

 

Bệnh nhân H nhập Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng sốc bỏng nặng và suy hô hấp cấp. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân H, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng QG đã chẩn đoán: Bỏng lửa cồn 90% toàn thân trong đó có 80% bỏng sâu (hết lớp da) toàn thân, bỏng hô hấp, sốc bỏng nặng.

 

BS Nguyễn Như Lâm, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, với bệnh nhân bỏng, da đồng loại (da người) hoặc dị loại (da lợn, da ếch...) chỉ có tác dụng che phủ tạm thời, trong khi chờ đợi để có nguồn da tự thân để ghép, thì vết thương bỏng sâu mới lành được.

 

Bệnh nhân H chỉ còn vùng da đầu có tóc (khoảng 2% lấy da được) và hai mu bàn chân, một mu bàn tay (tổng diện tích khoảng 6%) là nguồn da tự thân duy nhất để ghép cho 80% diện tích bỏng sâu. Quả là một bài toán khó!

 

BS Lâm giải thích: “Vùng da đầu có nhiều mạch máu nên chảy mất nhiều máu khi phẫu thuật. Các vùng còn lại ở mu bàn tay và chân có nhiều nếp gấp nên rất khó lấy được các mảnh lớn. Do vậy, chúng tôi đã chọn phương án ghép da tem thư kết hợp hai lớp: lớp dưới cùng là da tự thân được cắt thành các mảnh nhỏ như tem thư ghép giãn cách rộng 3 - 4 cm/mảnh. Sau đó, các bác sĩ sẽ ghép da đồng loại lấy từ người thân đã được rạch mắt lưới với tỷ lệ giãn rộng 1:3 hoặc 1:4 bằng dụng cụ chuyên dụng đặc biệt”.

 

Ca phẫu thuật này đòi hỏi sự rất cẩn thận, tỉ mỉ của các bác sĩ và mất nhiều thời gian. Đồng thời, công tác chăm sóc sau mổ cũng rất sát sao mới đảm bảo cho mảnh da ghép không bị bong ra và chết.

 

“Mỗi lần phẫu thuật, ở bệnh nhân H chỉ có thể che phủ được khoảng 6 - 9% diện tích cơ thể. Chính vì vậy, mà phải mất đến 15 lần phẫu thuật với hoàn thành xong việc che phủ toàn bộ phần cơ thể bị mất da” - BS Lâm nói.

 

Ca phẫu thuật của bệnh nhân H thành công có một phần trợ giúp của em trai bệnh nhân đã tự nguyện cho da 4 lần ở hai tay, hai chân. Ngoài ra, còn hai người thân khác cũng tự nguyện cho da để cứu bệnh nhân. Như vậy, để sống sót sau tai nạn này, bệnh nhân H mang trên mình da của 3 người khác.

 

Kỳ tích của ngành Bỏng

 

BS Lâm tâm sự: “Từ trước đến nay, chúng tôi cũng đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân nặng với diện tích bỏng trên 80-90% diện tích cơ thể. Tuy nhiên, chưa cứu sống được bệnh nhân nào có diện tích bỏng sâu như thế này. Vì vậy, có thể coi đây là một kỳ tích của nền y học Việt Nam trong chuyên ngành bỏng”.

 

Thậm chí cho đến khi bệnh nhân đi lại được và có thể an toàn xuất viện, các bác sĩ vẫn chưa tin được, tại sao một người bị bỏng nặng tới 90% cơ thể và 80% độ sâu mà còn có thể sống được.

 

Hiện nay, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bỏng với diện tích trên 70% còn rất cao, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước phát triển, đặc biệt là các bệnh nhân bỏng sâu diện rộng và bỏng hô hấp kết hợp. Theo ước tính, bệnh nhân bỏng hô hấp có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần so với bệnh nhân chỉ bỏng da đơn thuần có cùng diện tích bỏng.

 

BS Lâm trầm ngâm: Bệnh nhân H cũng không nằm ngoài nguy cơ trên, nhưng có nhiều điều kiện hậu thuẫn khác “tiếp sức” cho bệnh nhân này chiến thắng thần chết. Trong đó phải kể đến việc bệnh nhân có nguồn cho da tự nguyện được huy động tối đa từ phía gia đình bệnh nhân. Điều này không phải trường hợp nào cũng thực hiện được, khi Luật Hiến tạng của nước ta chưa có hiệu lực (ở thời điểm tháng 2/2007) và đi vào thực tế.

 

Với trường hợp như bệnh nhân H, một bản kế hoạch phẫu thuật dài được chuẩn bị chu đáo và hợp lý. Các bác sĩ ở Viện cũng nhận định: Nếu không ghép đúng thời điểm, thì tỷ lệ da ghép sống thành công không cao. BS Lâm ví von, điều này cũng giống như cấy lúa non, phải chuẩn bị ruộng cấy thật tốt thì lúa mới sống và phát triển được.

 

Ca phẫu thuật 15 lần ghép da “tem thư” đã trở thành câu chuyện tự hào của Viện Bỏng Quốc gia. Bệnh nhân H đã ổn định sau 3 tháng điều trị và ra viện sau 4 tháng điều trị.

 

Theo Vân Khánh

Gia đình & Xã hội