1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

13h00' chiều nay, chính thức cấm tàu thuyền ra khơi, di dời dân ở vùng nguy hiểm

(Dân trí) - Để ứng phó với cơn bão số 2, UBND tỉnh Nam Định đã ra công điện khẩn về việc cấm tàu thuyền ra khơi, chủ động phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, sơ tán người canh coi tại các chòi canh vào khu vực an toàn…

Để ứng phó với cơn bão số 2 có diễn biến phức tạp, tránh gây thiệt hại về người và tài sản, UBND tỉnh Nam Định và Ninh Bình đã ra công điện khẩn và triển khai nhiều biện pháp phòng chống cơn bão số 2.

Nam Định: Cấm tàu thuyền ra khơi, di dời dân ở vùng nguy hiểm

Theo đó, từ 13h ngày 16/7, Nam Định sẽ cấm mọi phương tiện tàu thuyền ra khơi; triển khai kịp thời các giải pháp an toàn cho tàu thuyền, chủ động phương án di dời dân, sơ tán người canh coi tại các chòi canh vào khu vực an toàn, di dời dân ở vùng nguy hiểm, khu vực cửa sông, ven biển.

Nam Định kêu gọi các tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn và nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi
Nam Định kêu gọi các tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn và nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi

Yêu cầu các trạm bơm tích cực bơm tiêu rút nước đệm, bơm tiêu chống úng; tạm dừng việc cấy lúa mùa, tích cực bảo vệ mạ và lúa mới cấy, diện tích gieo sạ, để hạn chế thiệt hại do mưa lớn. Triển khai ngay các phương án tiêu nước đô thị để ứng phó với tình trạng ngập úng có thể xảy ra.

Đồng thời liên tục kiểm tra rà soát các công trình đê điều, các bến cảng, kho tàng ven biển để có biện pháp đảm bảo an toàn, phát hiện và xử lý ngay những sự cố hư hỏng trên tuyến đê sông, đê biển.

Chỉ đạo Ban quản lý dự án và nhà thầu đang thi công chủ động phương án đảm bảo an toàn người, vật tư, thiết bị, tài sản, an toàn công trình theo phương châm 4 tại chỗ. Rà soát chặt chẽ phương án phòng chống bão tại các địa phương nhất là các xã ven biển để kịp thời ứng phó với bão. Duy trì các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Ninh Bình: Sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 2

Chiều 16/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Ninh Bình cho biết, đến 17h cùng ngày công tác phòng chống cơn bão số 2 trên địa bàn cơ bản đã được triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp ứng phó với bão cũng đã được triển khai.

Theo đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Ninh Bình đã có công điện gửi các địa phương trong tỉnh triển khai phương án ứng phó với bão, tập chung theo dõi những diễn biến thất thường của cơn bão qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bắt đầu từ ngày 16/7, ngăn không cho tày thuyền ra khơi và thông báo cho các phương tiện vào nơi trú ẩn. Toàn tỉnh Ninh Bình đã kêu gọi được 148 phương tiện đánh bắt với 457 thuyền viên vào nơi tránh trú bão. Trong đó, 80 thuyền viên/26 phương tiện đang hoạt động gần bờ biển tỉnh Ninh Bình và 303 thuyền viên/113 phương tiện đang neo đậu tại bến.

Ngoài kêu gọi các phương tiện vào nơi tránh trú bão, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Ninh Bình cũng đã chỉ đạo huyện Kim Sơn triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III vào nơi trú bão an toàn. Tổng số 254 lao động/196 lều chòi đang nôi trồng thủy hải sản ngoài đê Bình Minh III và khu vực Cồn Nổi đã được thông báo di chuyển vào bờ để tránh bão trước 17h chiều nay (17/6).

Dân ở các vùng trũng thấp, các điểm có nguy cơ sạt lở đất đá cũng được lên phương án rời đến nơi an toàn trước thời điểm bão đổ bộ.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, tỉnh Ninh Bình tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi diễn biến thời tiết; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nguy cơ xảy ra mưa lớn trên diện rộng, có nơi mưa to đến rất to. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố cũng phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình chủ động triển khai phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm đảm bảo an toàn cho lúa mùa mới gieo cấy và kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập.

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo vận hành 109 máy bơm/46 trạm bơm và mở 20 cống dưới đê để sẵn sàng cho công tác chống úng, tiêu kiệt nước đệm.

Đức Văn - Thái Bá

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm