1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đồng Nai:

1.300 tỷ đồng cho chương trình trẻ em uống sữa miễn phí

“Chương trình Sữa học đường sẽ tiếp tục triển khai theo Đề án đã được HĐND thông qua từ cuối năm 2013”, bà Phạm Thị Hải - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai - khẳng định tại buổi sơ kết Thí điểm Đề án Sữa học đường năm 2014 tổ chức ngày 24/12.

Theo đó, năm 2015, Đề án sẽ được triển khai cho tất cả trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn Đồng Nai (không phân biệt trường công lập và ngoài công lập) và đối với học sinh lớp 1 của các trường tiểu học tại 5 huyện trên.

Sản phẩm sữa nằm trong chương trình trẻ em uống sữa miễn phí
Sản phẩm sữa nằm trong chương trình trẻ em uống sữa miễn phí

Từ tháng 9/2014, Đồng Nai đã chính thức triển khai Thí điểm Đề án Sữa học đường cho khoảng 41.000 trẻ mầm non tại 5 huyện nghèo nhất của tỉnh gồm: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú và Vĩnh Cửu.

Giai đoạn từ năm 2016 – 2020, chương trình được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 của các trường trong tỉnh. Về thời gian thụ hưởng, trẻ mầm non, học sinh tiểu học được uống sữa 9 tháng/năm học; định mức 3 lần/tuần, mỗi tuần uống 1 hộp loại 180ml.

Sản phẩm sữa nằm trong chương trình trẻ em uống sữa miễn phí
Năm 2015, Đề án sẽ được triển khai cho tất cả trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn Đồng Nai (ảnh minh họa)

Bà Phạm Thị Hải - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai - cho biết, đáng mừng nhất là sự đồng thuận của nhân dân và phụ huynh trong tỉnh. Ngay từ những ngày đầu thực hiện thí điểm, ngành giáo dục đã cho khảo sát lấy ý kiến thăm dò từ các bậc phụ huynh.

Trong số 50% phụ huynh của 68 trường tham gia thí điểm chương trình sữa học đường, 97% phụ huynh thống nhất với mức đóng góp hàng tháng cho con em được uống sữa tại trường, riêng ban đại diện cha mẹ học sinh thì hoàn toàn nhất trí với chương trình “sữa học đường”.

Đề án Sữa học đường Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020 được HĐND thông qua từ cuối năm 2013 và bắt đầu thực hiện thí điểm từ tháng 9/2014 với tổng kinh phí thực hiện là hơn 1300 tỷ đồng, trong đó 50% là  ngân sách nhà nước (khoảng 658 tỷ đồng); 35% phụ huynh đóng góp (khoảng 459 tỷ đồng) và phần còn lại là do công ty sữa hỗ trợ (khoảng 197 tỷ đồng).

Vậy là sau tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Bắc Ninh, Đồng Nai là tỉnh thứ ba thực hiện Đề án sữa học đường nhằm hướng tới việc nâng cao tầm vóc người Việt. Sự khác biệt chính so với 2 địa phương trước là chương trình ở Đồng Nai được mở rộng đến cả đối tượng tiểu học trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

PV