1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện buồn tái định cư:

12 năm về vùng đất mới, vẫn chìm trong đói nghèo!

(Dân trí) - Đã 12 năm trôi qua, hơn 400 hộ dân phải di chuyển đến nơi ở mới để nhường chỗ cho đại dự án Hồ chứa nước Cửa Đạt vẫn vùi trong đói nghèo và thiếu thốn.

Năm 2002, xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa phải nhường chỗ cho Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt. Gần 2.000 hộ dân với trên 10.000 nhân khẩu phải di dời đến nơi mới, trong đó có hơn 400 hộ chuyển đến vùng tái định cư (TĐC) ở xã Thanh Kỳ và xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, sinh sống. Sau 12 năm chuyển đến vùng đất mới, mọi thứ đối với người dân vẫn không có gì thay đổi, ngược lại họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nước, đất sản xuất, bệnh tật…

Đầu tư "bát ngát", dân vẫn khát

Bốn thôn TĐC Tân Hùng, Khe Cát, Thanh Xuân, Tân Mỹ ở xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, nằm xa tít, toàn đường rừng quanh co heo hút, thôn xa nhất là Tân Hùng cách trung tâm xã khoảng 7km. 

Nghĩ về những ngày ở Xuân Mỹ, bà Lò Thị Bình, thôn Tân Hùng bùi ngùi cho biết: “Ngày trước ở Xuân Mỹ đất sản xuất gia đình tôi có tới 10 sào để canh tác cộng với việc đi rừng lấy củi, lấy măng… cuộc sống cũng không đến mức chật vật. Nhưng từ khi chuyển đến đây cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào 1 sào lúa nước và 2 sào đất màu, nên quanh năm phải đong gạo. Ngày trước sống ở quê không bao giờ thiếu ăn, nay xuống đây năm nào cũng thiếu ăn vài ba tháng”.

Giếng ở khu TĐC thường xuyên không có nước
Giếng ở khu TĐC thường xuyên không có nước

Hiện thôn Tân Hùng có 147 hộ, nhưng trong đó có tới 71 hộ nghèo, thôn có 18 ha lúa nước thì có tới một nửa không cấy được vì thiếu nước. “Toàn thôn có 17 cái giếng công cộng, nhưng cứ đến mùa khô chỉ có 5 cái còn nước, số còn lại luôn trơ đáy” – ông Vi Văn  Tuyên , bí thư chi bộ thôn cho hay.

Không khấm khá hơn so với ở Thanh Tân, gần 200 hộ dân tại hai thôn Đồng Tiến và Đồng Tâm của xã Thanh Kỳ cũng đang “sống dở chết dở” vì không có đất sản xuất, thậm chí vào mùa khô họ còn đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Do cuộc sống khổ đủ đường nên đã 12 năm trôi qua mọi thứ ở đây dường như không có gì thay đổi, thậm chí nhiều căn nhà đã xuống cấp mà không có tiền để sửa sang, làm mới.

Ông Hà Văn Dựng, bí thư chi bộ thôn Đồng Tâm, cho biết chuyển đến vùng đất mới đã 12 năm thì chỉ có vài năm đầu là có nước sinh hoạt và sản xuất, đến các năm tiếp theo thì thường xuyên đối mặt với cảnh thiếu nước. “Cả thôn có tới 13 giếng nước, nhưng có 9 giếng thường xuyên không có nước, 4 giếng nước còn lại không thể cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 95 hộ/456 nhân khẩu của thôn, vì thế việc tắm, giặt của bà con toàn ra suối, ra mương nên rất mất vệ sinh” – ông Hà Văn Dựng nói.

Bà Lò Thị Bình thôn Tân Hùng buồn rầu kể về những ngày ở khu TĐC
Bà Lò Thị Bình thôn Tân Hùng buồn rầu kể về những ngày ở khu TĐC

Ông Lê Hùng Vương, Trưởng thôn Đồng Tiến thở dài: “Cả thôn có ngần ấy con người mà chỉ có 9,3 ha đất để canh tác, do thường xuyên thiếu nước nên có khoảng 2 ha phải bỏ hoang. Diện tích còn lại nếu trời thương thì còn có ăn, chứ cứ nắng hạn như năm 2009 thì mất trắng”.

Theo tìm hiểu của PV thì tại những vùng TĐC này đã được xây dựng tới 16 bể chứa nước, nhưng có rất nhiều bể mới xây xong đã phải hạ độ cao đáy bể và cho đến nay, hầu hết các bể nước đó đã hoang hóa từ lâu. Còn nhiều hồ chứa nước phục vụ sản xuất được xây dựng nhưng đã xuống cấp, không còn phát huy được tác dụng.

Nhiều bất cập

Nước sinh hoạt, sản xuất thiếu đủ đường, dân TĐC còn đối diện với nhiều bất cập. Đơn cử như việc xây nhà ở cũng bất hợp lý, đa phần đồng bào dân tộc miền núi thích sống trong một không gian thoang mát, rộng rãi… tuy nhiên nhà ở đây lại được thiết kế san sát vào nhau như ở “phố”. Nhà này nối nhà kia “kéo nhau” lên tận lưng chừng đồi, nên vào mùa mưa nước thải gia súc, gia cầm của nhà trên cứ thế theo mưa chảy xuống nhà dưới, khiến cho môi trường sống ở đây đang bị đe doạ.

Bên cạnh đấy, theo Quyết định số 2840/QĐ-UB ngày 29-11-1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, dự án TĐC tại 2 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, huyện Như Thanh được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để khai thác tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất, từng bước ổn định sản xuất và đời sống cho hơn 400 hộ dân. Tổng mức đầu tư cho dự án này là trên 39 tỷ đồng sau đó điều chỉnh bổ sung nâng lên 42 tỷ đồng.

Người dân TĐC luôn đối mặt với cái đói mùa giáp hạt 
Người dân TĐC luôn đối mặt với cái đói mùa giáp hạt 

Tuy nhiên những gì mà Chi cục định canh, định cư Thanh Hoá (nay là Chi cục Nông nghiệp phát triển nông thôn) đã xây dựng tại đây chỉ được một thời gian đã xuống cấp hoặc không phát huy tác dụng. Ví như công trình hồ Khe Thoong hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng nên không giữ được nước. Ngoài ra, nhiều hồ chứa nước ở đây xây dựng “cho vui”, thành thử đất sản xuất đã ít, nước lại không có nên cuộc sống của người dân luôn bấp bênh, đói nghèo…

Ông Ngân Quốc Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, cho biết trong các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng có phản ánh về tình trạng thiếu nước, đất sản xuất. “Về nước thì địa phương đã báo cáo cấp trên, cũng có đoàn cấp trên về khảo sát và tính phương án dẫn nước từ trên đồi về cho người dân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai vì thiếu kinh phí” – ông Duyên nói.

Ông Trương Thanh Tĩnh, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Như Thanh, thẳng thắn: “Ngay từ ngày đầu triển khai, mặt bằng TĐC cho người dân đã không đảm bảo, huyện cũng rất quan tâm đến người dân vùng TĐC, nhưng vẫn chưa tìm ra cách nào để thảo gỡ khó khăn cho họ”.

Bình Minh