1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

12 năm bán vé số góp tiền xây mộ cho đồng đội

(Dân trí) - Tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng, câu chuyện về thương binh Đặng Thị Bảy bán vé số góp tiền xây mộ cho đồng đội khiến nhiều người xúc động.

Sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng với truyền thống cha truyền con nối, các anh chị em của bà Bảy (SN 1945, trú xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đều sớm đi theo cách mạng.

Năm 1958, khi vừa tròn 13 tuổi, bà Bảy được người anh ruột thứ 5 giác ngộ và tự nguyện xin gia nhập cách mạng. Vì tuổi nhỏ, người nhỏ nên bà Bảy được mọi người trong đơn vị gọi là Bảy nhỏ.

Bảy nhỏ được giao nhiệm vụ làm giao liên hợp pháp tại xã nhà và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức giao.

12 năm bán vé số góp tiền xây mộ cho đồng đội
Bà Bảy tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 vừa tổ chức tại TP Đà Nẵng

Năm 1964, Bảy nhỏ được tổ chức đưa đi học khóa hộ sinh. Đến năm 1965, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Do là địa bàn trọng yếu của tỉnh ủy và huyện ủy nên địch ra sức chống phá ác liệt. Vì thế sau lễ kết nạp, 20 tân đảng viên đã hứa với nhau: “Đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống”.

“Lời hứa ấy tưởng chừng không thực hiện được vì vào thời điểm chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trong trận đánh chiếm đồn Gò Dầu (xã Tân Mỹ), trên đường rút quân về Mương Điều (xã Tân Khánh Trung), đơn vị bị pháo địch trả đũa làm nhiều người hi sinh. Tôi may mắn thoát chết nhưng cũng bị thương ở vùng đầu và bị liệt nữa thân người”, bà Bảy cho biết.

Không thể trực tiếp chiến đấu, bà Bảy được tổ chức phân công ở tuyến sau mua thuốc men tiếp tế cho quân y, rồi được bồi dưỡng chuyên môn hộ sinh, y tế làm y tá cho đến ngày giải phóng đất nước.

Năm 1979, bà Bảy về nghỉ mất sức do sức khỏe không đảm bảo. Cũng thời điểm này, người anh trai của bà qua đời bỏ lại hai đứa con thơ, người em gái hoàn cảnh quá khó khăn không thể nuôi con nên bà đã đưa 3 đứa nhỏ về nuôi. Bốn con người sống dựa vào đồng lương thương binh của bà nên bà không thể dành dụm, tiết kiệm để thực hiện được lời hứa.

Lời hứa với đồng đội năm nào vẫn đau đáu trong bà. Bà quyết tâm thực hiện lời hứa của mình bằng cách đi bán vé số. Bất chấp thương tật 89%, ngày nắng cũng như ngày mưa, bà Bảy rong ruổi khắp thôn xóm để bán từng tờ vé số. Số tiền bán vé số cộng thêm một ít tiền lương thương binh bà chắt bóp được bà đều bỏ vào heo đất.

Cuối năm 2010, bà đập ống heo đất và rất vui mừng vì số tiền bà dành dụm trong 12 năm rưỡi được 72 triệu đồng.

“Tôi đến gặp lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Long Hưng A xin được đóng góp 70 triệu đồng với nguyện vọng góp phần nhỏ vào việc sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ thêm khang trang, sạch đẹp. Lúc đầu lãnh đạo xã đã thuyết phục tôi giữ lại số tiền đó để an dưỡng tuổi già nhưng tôi bảo: “Đây là số tiền tôi bỏ ống suốt 12 năm qua chớ đâu có bán đất, bán nhà hay vay mượn của ai đâu mà ngại. Đây là tâm nguyện cuối đời của tôi, nếu không thực hiện chắc có lẽ khi chết tôi không nhắm mắt được”. Cuối cùng các anh lãnh đạo cũng đã đồng ý và sử dụng số tiền trên vào việc ốp gạch men lên toàn bộ 144 ngôi ngộ của Nghĩa trang liệt sĩ xã”, bà Bảy nhớ lại.

Giờ đây, tuổi đã cao, sức đã yếu, 3 mảnh đạn vẫn còn nằm trong đầu nên thường xuyên đau nhức, không ngủ được nhưng bà Bảy vô cùng vui mừng vì bản thân đã thực hiện được lời hứa với đồng đội năm xưa.

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm