12 địa phương tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước

Hoài Thu

(Dân trí) - Trong 2 năm qua, việc số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở các địa phương đang khá khiêm tốn, thậm chí có đến 12 tỉnh, thành phố tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách.

Sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 36 cho ý kiến vào báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết giai đoạn 2015-2021, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đã được sắp xếp hợp lý hơn, hạn chế được tình trạng trùng lắp nhiệm vụ, thu gọn đầu mối vượt chỉ tiêu giảm 10% theo yêu cầu của Nghị quyết 19.

12 địa phương tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Hồng Phong).

Số liệu của Chính phủ cho thấy tính đến thời điểm 31/12/2021, cả nước có 48.442 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 7.449 đơn vị so với năm 2015 (đạt13,33%).

Đến hết năm 2023, cả nước có 47.596 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 846 đơn vị so với năm 2021.

Qua giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định hầu hết cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Cũng trong giai đoạn 2015-2021, có hơn 1,7 triệu người hưởng lương từ ngân sách, giảm gần 240.000 người (25,19%).

Đoàn giám sát nhận định các cơ quan ở Trung ương tuy có tỷ lệ giảm số đơn vị sự nghiệp công lập ít hơn so với ở địa phương, nhưng lại có tỷ lệ giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mạnh mẽ hơn.

Giai đoạn 2021-2023, số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở bộ, ngành tiếp tục giảm. Một số bộ, ngành giảm nhiều hơn do đã đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công (như Bộ Công Thương giảm 28,81%, Bộ Giao thông Vận tải giảm 34,43%, Bộ Ngoại giao giảm 70,07%...).

Trong khi đó, ở địa phương, theo đoàn giám sát, mức giảm trong 2 năm vừa qua đang khá khiêm tốn, thậm chí có đến 12 tỉnh, thành phố tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn này.

Mức giảm trung bình số biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở địa phương giai đoạn 2021-2023 chỉ ở mức 1,42%, cách rất xa mục tiêu tiếp tục giảm 10% được đề ra, theo báo cáo giám sát.

Đánh giá chung, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học; tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021-2023.

Đoàn giám sát cũng nhận định còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp.

12 địa phương tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước - 2

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).

3 nhóm giải pháp được Đoàn giám sát kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có việc hoàn thành phê duyệt vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên cơ sở vị trí việc làm, đạt mục tiêu đề ra, có tính đến đặc thù của ngành giáo dục và đào tạo, y tế.

Đoàn giám sát cũng đề nghị trong năm 2025, chuyển dần bệnh viện thuộc các bộ, cơ quan Nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học).

Các trung tâm y tế đa chức năng cấp huyện cũng được kiến nghị chuyển dần về UBND cấp huyện quản lý.