1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

112 câu thơ gửi ra biên giới cổ vũ con "giữ quê hương" của bà mẹ xứ Nghệ

Hoàng Lam

(Dân trí) - Dù trong mắt mẹ, con còn non nớt, nhỏ dại, cần chỉ huy uốn nắn nhưng người mẹ xứ Nghệ vẫn tin tưởng con nối tiếp truyền thống ông cha, cùng đồng đội đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Bức thư bằng thơ của bà mẹ xứ Nghệ

Phải trải qua nhiều khâu kết nối, chúng tôi mới tìm được đến nhà ông Văn Đức Thuân (SN 1962, trú phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Ông Thuân là cựu chiến binh, tham gia chiến đấu trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. 

112 câu thơ gửi ra biên giới cổ vũ con giữ quê hương của bà mẹ xứ Nghệ - 1

Cựu chiến binh mặt trận biên giới phía Bắc Văn Đức Thuân lần dở cuốn nhật ký của người mẹ Phạm Thị Đào (Ảnh: Hoàng Lam).

Dở cuốn nhật ký đã chuyển màu nâu sẫm, được bọc cẩn thận trong mấy lớp túi bóng, ông Văn Đức Thuân kể: "Tháng 7/2021, mẹ tôi qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. Tôi quyết định giữ lại cuốn nhật ký của mẹ cùng 2 cuốn sổ ghi chép khác để con cháu sau này hiểu hơn về cuộc đời của mẹ tôi - cuộc đời của người phụ nữ góa bụa khi chồng hi sinh năm 27 tuổi, rồi lần lượt tiễn hai đứa con trai ra mặt trận để bảo vệ quê hương. Trong đó có lá thư đặc biệt - lá thư bằng thơ, dài 112 câu của mẹ - bà Phạm Thị Đào, gửi anh tôi là Văn Đức Tuấn, thời điểm năm 1979, đang chiến đấu ở mặt trận Cao Lạng (tức tỉnh Lạng Sơn ngày nay)".

Cuốn nhật ký bằng thơ của người phụ nữ xứ Nghệ có bài thơ được chính bà chép lại từ bức thư gửi Ban Chỉ huy Đại đội 5, Lạng Sơn vào ngày 6/6/1979 - thời điểm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đang diễn ra ác liệt.

Tháng 11/1978, khi Sư đoàn bộ binh 337 - Quân khu 4 đang huấn luyện tân binh tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), bà Đào lặn lội vào tận nơi để thăm con. 4 tháng sau, quay lại Nghi Lâm, hay tin đơn vị đã chuyển đi, bà cũng bặt tin con từ đó. Khi biết đơn vị của con đang chiến đấu ở Lạng Sơn, người mẹ đã biên thư động viên.

112 câu thơ gửi ra biên giới cổ vũ con giữ quê hương của bà mẹ xứ Nghệ - 2

Bà Phạm Thị Đào (ảnh nhỏ) và bức thư bằng thơ gửi ra mặt trận biên giới được chép lại vào cuốn nhật ký (Ảnh: Hoàng Lam).

Lá thư được mở đầu bằng lời giới thiệu hết sức mộc mạc: "Tôi là mẹ của Văn Đức Tuấn/ Quê Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh vốn xưa nay...". Chiến sĩ Văn Đức Tuấn - người con trai cả của mẹ Đào, có mặt trong Sư đoàn bộ binh 337, thần tốc hành quân ra Lạng Sơn vào ngày 19/2/1979, chỉ hai ngày sau khi Trung Quốc đưa quân ồ ạt tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta.

Sự vẹn toàn của lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm, dẫu thương con và "nhiều nỗi buồn lo" nhưng mẹ vẫn động viên con lên đường "gánh vác việc lớn lao". 19 tuổi, nhưng trong mắt mẹ, người lính Văn Đức Tuấn vẫn còn non nớt, cần phải bày dạy, uốn nắn. Bởi vậy, bà nhờ hết vào những người chỉ huy, đồng đội kèm cặp, "Dạy bảo em học tập vững lòng.../Đừng để em đi sai đường hướng lạc/ Trở thành người tệ bạc của quân nhân".

Trong thư, người mẹ cũng tin tưởng vào sự đoàn kết, chung lưng đấu cật đánh đuổi quân xâm lăng, giữ yên bờ cõi.

112 câu thơ gửi ra biên giới cổ vũ con giữ quê hương của bà mẹ xứ Nghệ - 3

Bức thư gồm 112 câu thơ với lời lẽ hết sức mộc mạc của người mẹ xứ Nghệ (Ảnh: Hoàng Lam).

Năm 1981, người lính Văn Đức Tuân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương thì một năm sau, người em trai Văn Đức Thuân lên đường nhập ngũ, biên chế vào Sư đoàn 314, chiến đấu tại mặt trận Bắc Thái rồi Vị Xuyên.

"Ngày tôi lên đường, mẹ động viên dặn dò nhiều lắm. Thời đó, chúng tôi lên đường mà không sợ hiểm nguy, gian khổ, chỉ thấy duy nhất trách nhiệm của bản thân phải giữ toàn vẹn lãnh thổ, quyết tâm bảo vệ bờ cõi cha ông đã mở mang và bảo vệ", cựu chiến binh Văn Đức Thuân nói.

Lời hịch ngoài mặt trận

"Cách đây 5 năm, tình cờ chúng tôi nhận được điện thoại của Đại tá Nguyễn Đức Khuỳnh - người cùng đơn vị chiến đấu với anh trai tôi. Thời điểm đó, anh trai tôi đã qua đời được 3 năm vì bạo bệnh. Anh Khuỳnh nhắc tới bài thơ này, lúc đó, tôi và mẹ mới dở lại cuốn nhật ký. Tôi không thể ngờ, bức thư bằng thơ được mẹ gửi ra biên giới, sau đó đã được phổ biến toàn đơn vị và ngạc nhiên hơn, đã gần 40 năm trôi qua nhưng anh Khuỳnh thuộc nằm lòng, dù nó rất dài", cựu chiến binh Văn Đức Thuân kể.

112 câu thơ gửi ra biên giới cổ vũ con giữ quê hương của bà mẹ xứ Nghệ - 4

Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh - nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn, người có mặt trong đội hình Sư đoàn 337 - Quân khu 4 hành quân thần tốc ra bảo vệ biên giới phía Bắc, cũng là người đầu tiên đọc bức thư của mẹ Phạm Thị Đào gửi đơn vị (Ảnh: NVCC).

Chúng tôi đã kết nối điện thoại với Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh - nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn. Vào ngày 19/2/1979, ông hành quân ra bảo vệ biên giới phía Bắc trong đội hình Sư đoàn bộ binh 337 - Quân khu 4.

Bức thư đến đơn vị vào một ngày nửa cuối tháng 6/1979, hôm đó Thượng sĩ Nguyễn Văn Khuỳnh nhận nhiệm vụ trực ban đơn vị. Vì thư đề "Kính gửi Ban Chính trị Sư đoàn 337" nên cán bộ trực ban bóc ra xem. Thấy bức thư hay quá, Thượng sĩ Khuỳnh báo cáo với Đại tá Nguyễn Chấn, khi ấy là Chính ủy Sư đoàn 337. Thời điểm này, Trung Quốc đã rút hết quân về bên kia biên giới nhưng khu vực giáp đường biên, chiến sự vẫn hết sức ác liệt, căng thẳng.

"Đọc xong, anh Chấn bảo triển khai tuyên truyền bức thư đến toàn đơn vị. Khi đọc lên trong những buổi tuyên truyền ở các đơn vị thì các đơn vị chép về rồi đọc cho anh em. Kết hợp nội dung bức thư với quán triệt phân tích, giảng giải của chính trị viên các đại đội thì thấy rằng bà Đào - một bà mẹ tổn thất rất lớn trong chiến tranh, chồng hi sinh khi làm nhiệm vụ của ngành bưu điện, một mình nuôi con 14 năm qua, con đi 4 tháng không có tin tức gì cả.

112 câu thơ gửi ra biên giới cổ vũ con giữ quê hương của bà mẹ xứ Nghệ - 5

Bài thơ của mẹ Đào sau đó được phổ biến đến toàn Sư đoàn 337, trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần, giúp giữ vững mặt trận tư tưởng của người lính trên chiến trường hết sức ác liệt lúc bấy giờ (Ảnh minh họa, hình tư liệu).

Nếu như mong muốn con trở về, nhìn được con - là mong muốn chính đáng của tất cả những người mẹ nhưng bà lại khác. Bà động viên con ở lại chiến đấu, nhờ đồng đội, đơn vị giúp đỡ, uốn nắn để con trưởng thành, hoàn thành nhiệm vụ. Lá thư này đã làm cho chiến sĩ thông qua được tuyên truyền cảm thấy bừng tỉnh về trách nhiệm của mình, hạn chế và không còn tư tưởng muốn lui về phía sau để đảm bảo cái an toàn, cái thảnh thơi", Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh kể.

Theo cựu chiến binh mặt trận biên giới, lá thư của mẹ Đào có tác dụng rất tốt trong việc giữ vững mặt trận tư tưởng, cổ vũ tinh thần dám hi sinh vì Tổ quốc, động viên bộ đội trên toàn tuyến biên giới do sư đoàn đảm nhiệm dài hơn 40 cây số chứ không chỉ riêng gì con trai bà - chiến sĩ Văn Đức Tuấn. Bức thư đặc biệt của người mẹ xứ Nghệ lan tỏa mãi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc những năm tháng tiếp sau đó...