1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

106 đại biểu QH phản đối quy định siết nhập cư vào Hà Nội

(Dân trí) - Luật Thủ đô vượt số phiếu cần thiết để được thông qua tại Quốc hội dù tỷ lệ tán thành không quá cao. Quy định “siết” điều kiện nhập cư nâng thời hạn tạm trú lên 3 năm nhưng vẫn có hơn 20% đại biểu không tán thành.

Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật lần cuối trước khi Quốc hội biểu quyết do Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho thấy, nội dung về cơ chế quản lý dân cư là vấn đề được đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm.
 
“Phiếu thuận” cho đề xuất siết điều kiện nhập cư Hà Nội

"Siết" nhập cư có giúp Hà Nội "dễ thở" hơn? (Ảnh minh họa: Việt Hưng)

Trước đó, dự thảo luật thiết kế 2 phương án quy định điều kiện đăng ký “nhập khẩu” vào nội thành Hà Nội. Phương án 1, nâng điều kiện tạm trú liên tục tại khu vực nội thành từ 1 lên 3 năm, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc thuê nhà ở của những cá nhân, tổ chức được cấp phép kinh doanh, đăng ký thường trú ở nơi đã tạm trú…

Phương án 2 kèm thêm điều kiện chặt chẽ hơn về nhà ở: nếu là nhà thuê phải đảm bảo diện tích tối thiểu 5m2/người.

Tuy nhiên, quá trình thảo luận tại tổ và hội trường đã ghi nhận rất nhiều ý kiến không đồng tình quan điểm "siết" điều kiện nhập cư như này.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, để giải quyết vấn đề quá tải dân cư ở nội thành và bảo đảm sự cân đối giữa phát triển dân số và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thì phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cả về kinh tế - xã hội, cả về tổ chức hành chính, quy hoạch. Tuy nhiên, phương án 2 được cho là những quy định ràng buộc quá chặt chẽ đã được loại bỏ, dự thảo Luật được chỉnh lý theo phương án 1.

UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, phương án này cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành... Luật Thủ đô chỉ bổ sung điều kiện về thời gian cư trú và chỗ ở đối với một số đối tượng không thuộc các trường hợp này.

Theo kết quả phiếu xin ý kiến, có 289/363 đại biểu tán thành với quy định “siết nhẹ” này.

Biểu quyết riêng về nội dung này, có 346 đại biểu bỏ “phiếu thuận”, tương đương 69%. Tuy nhiên, cũng vẫn còn 106 đại biểu bỏ “phiếu chống”, chiếm tỷ lệ 21,29%. Có 11 đại biểu không biểu quyết.

Đây cũng là nội dung được thông qua với tỷ lệ tán thành thấp nhất trong số các nội dung được đưa ra biểu quyết (vị trí vai trò của thủ đô; biểu tượng thủ đô; quy hoạch phát triển thủ đô; cơ chế chính sách cho thủ đô; quản lý dân cư).

Một nội dung khác cũng được UB Thường vụ Quốc hội chỉnh lại trước khi đưa ra biểu quyết là đề xuất cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải (Điều 18): UB Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu, không quy định về vấn đề này trong luật.

Ngoài các nội dung này, UB Thường vụ Quốc hội đồng tình với phân tích, một số vấn đề bức xúc hiện đang đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội cũng đồng thời đang đặt ra đối với các đô thị lớn khác, như bảo đảm an toàn giao thông, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quản lý dân cư, quản lý đất đai, nguồn lực tài chính…. Để có thể giải quyết được các vấn đề này thì cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các giải pháp về kinh tế - xã hội và không chỉ áp dụng riêng đối với Hà Nội mà còn đối với cả các tỉnh, thành phố khác.

Tuy nhiên, với vị trí và vai trò là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế..., nơi diễn ra các hoạt động quan trọng về đối nội và đối ngoại của đất nước nên Hà Nội cần được ưu tiên đầu tư, giải quyết trước, tạo điều kiện để xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, tiêu biểu, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, biểu tượng của hòa bình và hữu nghị.

Quốc hội thống nhất quan điểm cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng. Theo kết quả Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, đã có 287/363 đại biểu tán thành với quy định này.

Về cơ chế chính sách tài chính, ngoài nguồn ngân sách nhà nước đầu tư, Hà Nội được phép huy động các nguồn lực tài chính khác ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng và phát triển Thủ đô trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Về biểu tượng thủ đô, Quốc hội thống nhất chọn Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Biểu quyết về toàn bộ nội dung dự thảo luật, có 75,7% đại biểu tán thành. Luật Thủ đô chính thức được Quốc hội thông qua, dù vẫn còn 15,6% đại biểu không tán thành.

P.Thảo