1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

1.001 phố “khổ” ở Hà Nội

Đường nhiều ổ, hố sâu, tràn phế thải xây dựng; đường ầm ầm tiếng xe chạy; đường mở cửa ra là thấy tai nạn giao thông hoặc... “cave”. Hàng triệu lượt người vẫn “nghiến răng” đi qua, các gia đình ven đường thì bịt tai, nhắm mắt mà sống...

“Đường gập ghềnh”

 

Đoạn đường từ phố Hào Nam đến phố Cát Linh chỉ dài khoảng hơn 1km và đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng từ năm 2000. Tuy nhiên đến nay đã gần 7 năm trôi qua mà dự án này vẫn chưa được thi công và đoạn đường trên trở thành “nỗi ảm ảnh” của người dân trong khu vực.

 

Ông Trần Văn Đức, người dân phường Ô Chợ Dừa than thở: “Gọi là đường phố cho oai thôi chứ đây đâu xứng đáng là một con đường. Mặt đường thì mấp mô toàn ổ gà, lề đường đầy rác thải, mương nước Hào Nam lại ngày một ô nhiễm. Đã vậy thỉnh thoảng ban đêm lại có “ông xe tải” rình rình trút xuống một đống lớn phế thải xây dựng khiến con đường càng ngày càng bị thu hẹp”.

 

1.001 phố “khổ” ở Hà Nội  - 1

Đường Hào Nam duyệt từ 7 năm nay

mà vẫn chưa được thi công.

 

Không có ổ gà, không bị đổ trộm phế thải nhưng đường Lê Văn Lương vẫn được nhiều người tham gia giao thông gọi là “đường khổ” bởi một lý do rất đơn giản: Quá nhiều hàng bia lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh.

 

Người dân trong khu vực cho biết, cứ vào giờ tan tầm đến tận tối muộn, 5-6 quán bia nằm dọc đường Lê Văn Lương lại đua nhau giăng bàn ghế ra vỉa hè, xe của khách uống bia để xuống lòng đường nên người đi bộ muốn đi qua khu vực này buộc phải đi ra gần giữa đường. Chưa hết, mỗi khi có khách ra về, đám nhân viên dắt xe của những quán này cứ thản nhiên quay đầu, lùi đuôi xe ra giữa đường, mặc cho các phương tiện khác phải né tránh.

 

“Đường rác”

 

Tương tự như đường Lê Văn Lương, đoạn đường cuối phố Đông Tác thường xuyên chịu cảnh ùn tắc, bẩn thỉu vì Chợ xanh Kim Liên. Dọc hai bên đoạn đường này, hàng quán đua nhau nhoi ra đường để người đi chợ thoải mái dừng đỗ mua bán khiến đoạn đường này ngày nào cũng tắc. Hết hàng, tan chợ, các bà bán hàng điềm nhiên trút tất cả rác rưởi và nước thải ra mặt đường để giao phó cho các công nhân vệ sinh.

 

1.001 phố “khổ” ở Hà Nội  - 2

Đường qua chợ Đông Tác ngày nào cũng tắc.

 

Một con đường khác, cũng là nơi lý tưởng để “nhận” rác. Đoạn đường ven hồ Đống Đa trước đây tương đối sạch đẹp, thế nhưng từ ngày mấy chiếc bóng đèn chiếu sang ban đêm bị cháy mà không được thay thế, đám xe tải, xe thồ chở đất thải “tranh thủ” trút xuống đường hàng trăm khối đất. Đoạn đường dài gần 200m ngập trong đất, rác và phế thải xây dựng này đã khiến không ít xe cộ khi đi qua vào ban đêm phải “đo ván”.

 

“Đường ầm ĩ”

 

Đường Cổ Bi, huyện Gia Lâm vốn chỉ là một tuyến đường nhỏ, 2 đầu đã được cắm biển “Cấm xe có trọng tải trên 10 tấn”. Thế nhưng, ngày nào cũng có hàng chục chiếc xe chở xi măng, vật liệu xây dựng vượt quá trọng tải cho phép chạy qua tuyến đường này cho “tiết kiệm xăng” mà chẳng hề bị lập biên bản xử lý.

 

Ông Chu Văn Thắng - người dân sống ven đường Cổ Bi bức xúc: “Xe quá khổ, quá tải đi qua làm hỏng đường đã khổ rồi vậy mà đêm nào người dân chúng tôi cũng chẳng được yên giấc, luôn thon thót giật mình vì tiếng ô tô rú ga và tiếng còi xe inh ỏi”.

 

“Đường bẫy”

 

Đường La Thành đoạn từ Ô Chợ Dừa đến ngã 4 Láng Hạ - Giảng Võ hầu như ngày nào cũng xảy ra ùn tắc do đường nhỏ, hàng quán đua nhau chen ra mặt đường. Không những vậy, rất nhiều phương tiện giao thông đi qua đây đã bị thủng lốp vì những phoi thép, đinh sắt thế liệu có nguồn gốc từ các cửa hàng gia công sắt thép nằm dọc hai bên đường.

 

Đường Nguyễn Phong Sắc “nối dài” cũng được mệnh danh là “siêu bẫy” người đi đường, nhất là vào ban đêm. Đường được thi công gần như hoàn chỉnh từ hơn 1 năm nay, nhưng hầu như toàn bộ nắp cống, miệng hố ga trên đường đã biến mất trong khi hệ thống chiếu sáng của đoạn đường lại quá yếu. Vì thế, những miệng cống, hố ga mất nắp vô tình trở thành “hố bẫy” với người đi đường. Không những vậy, do gần như bị bỏ mặc, khu vực lại đang có nhiều công trình được thi công nên cả đoạn đường này đã trở thành một bãi rác lý tưởng cho đám xe tải đổ trộm đất, phế thải.

 

Vì vậy, cả một đoạn đường 2 làn dài hơn 2km bị phế thải xây dựng lấp dần, hè đường thì được tận dụng làm kho tập kết vật liệu, che chắn tầm nhìn người tham gia giao thông. Bà Mai Thanh Thuý - người dân làng Vòng - bức xúc: “Làm đường xong rồi để đấy, lãng phí nghiêm trọng mà chẳng cơ quan chức năng nào thèm quan tâm!”.

 

Trong khi đó, đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, Giáp Bát hay Phạm Ngũ Lão, người dân trong khu vực lại phải chịu một nỗi khổ “không biết bày tỏ cùng ai”: Ngày nào cũng gặp “cave” (gái bán dâm). “Cave” ngồi uống nước trước cửa nhà, “cave” lang thang trên hè phố, “cave” đi khách xong về thì thụt chia tiền với đám giang hồ “bảo kê”, rồi cả chuyện đánh cãi chửi nhau vì tranh giành khách, tất cả đều diễn ra hàng ngày, thậm chí ngay trước mắt trẻ em.

 

“Đường tai nạn”

 

Tuyến đường Khuất Duy Tiến, đường Cầu Giấy đoạn giao với phố Chùa Hà, đường 70 đoạn Ngục Trục - Nhổn - Dốc Kẻ…hầu như không tuần nào không xảy ra vài vụ tai nạn giao thông. Tai nạn nhiều đến mức một người dân nơi đây nói đùa: “Quá quen với cảnh người xe đổ rạp, máu me tung tóe trước cửa nhà, giờ 3 ngày không thấy tai nạn là dân phố này thấy... thiêu thiếu”.

 

Hà Nội còn 1.001 con đường tai nạn rình rập ngày đêm như thế. Đường Phan Trọng Tuệ và đường Pháp Vân là những tuyến đường có lưu lượng xe tải qua lại mỗi ngày khá lớn. Do thiếu sự quan tâm của cơ quan chức năng nên cả 2 con đường này đều ngày càng trở nên xuống cấp nghiêm trọng.

 

1.001 phố “khổ” ở Hà Nội  - 3

Đường Pháp Vân lúc nào cũng mờ mịt bụi.

 

Ở đường Phan Trọng Tuệ, cứ cách vài trăm mét lại có một đoạn đường bị lún võng hẳn xuống. Anh Bùi Việt Hà - người dân trong khu vực cho biết: “Ngày mưa, những chỗ bị lún, võng này ngập nước nên người đi đường còn biết mà tránh chứ ngày nắng ráo, cả con đường mù mịt bụi nên rất khó nhìn thấy chỗ lún để mà tránh. Vì vậy, chỉ cần người điều khiển phương tiện sơ ý một chút là rất dễ xảy ra tai nạn”.

 

Tuyến đường 32 đoạn qua địa phận xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm còn xuống cấp thê thảm hơn cả đường Pháp Vân và Phan Trọng Tuệ. Tại đoạn đường này, không chỉ có “ổ gà”, “ổ trâu” mà thậm chí cả “ổ voi” và…”ổ khủng long” cũng xuất hiện mật độ khá dày đặc.

 

Trên đây chỉ là một số ít ví dụ về những đoạn đường đang tồn tại ở Hà Nội, hàng ngày hàng giờ “làm khổ” người tham gia giao thông cũng như các hộ dân sống trong khu vực. Xin kết thúc bài viết bằng câu nói của ông Trịnh Thành - người dân sống trên đường Phan Trọng Tuệ: “Xin hãy cứu lấy những con phố để người dân được sống... an toàn!”.

 

Theo Công Thanh

VietNamnet