100 tư liệu quý về "Nghệ Tĩnh Đỏ trong trái tim Người"
(Dân trí) - Gần 100 tư liệu quý được trưng bày tại chuyên đề "Nghệ Tĩnh Đỏ trong trái tim Người", nhân kỷ niệm 93 năm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Kỷ niệm 93 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2023), Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (thành phố Vinh, Nghệ An) trưng bày chuyên đề "Nghệ Tĩnh Đỏ trong trái tim Người".
Trong suốt cuộc đời, dù ở nơi đâu, ở cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc cho quê hương Nghệ An, đặc biệt là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931).
Với gần 100 tư liệu hình ảnh, trong đó có nhiều tư liệu quý được khai thác từ các Trung tâm Lưu trữ quốc gia của Liên bang Nga, Pháp, Anh..., mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc về tình cảm, sự quan tâm, trăn trở của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; đồng thời cung cấp thêm cho các nhà nghiên cứu những tư liệu mới liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Những tác phẩm, sách báo tiến bộ được bí mật tuyên truyền tại Nghệ Tĩnh trong giai đoạn 1922-1930.
Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, tại Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc thành lập Đảng là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử Cách mạng Việt Nam; chứng minh giai cấp vô sản của ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Tại Nghệ An, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, trực tiếp là Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy và Tỉnh bộ Nghệ An, hòa nhịp với phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, công nông trên địa bàn tỉnh đã vùng lên mạnh mẽ cả ở thành thị và nông thôn.
Sáng 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân thuộc ba tổng: Phù Long, Thông Lãng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn) dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, với hàng ngũ chỉnh tề, trang bị gậy gộc, giáo mác, dây thừng, giương cờ đỏ búa liềm kéo về ga Yên Xuân tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, kêu gọi quần chúng đi theo Đảng Cộng sản.
Khi đoàn đại biểu tỉnh tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên, vừa tiến đến Thái Lão, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom làm 217 người hy sinh, 125 người bị thương. Cuộc khủng bố dã man này đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế.
Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành biểu tượng anh hùng, kiên trung, bất khuất của những người con trên quê hương xứ Nghệ.
Từ trong phong trào đấu tranh của công - nông Nghệ Tĩnh đã xuất hiện những "hạt giống đỏ" tập hợp quần chúng, lãnh đạo phong trào cách mạng.
Khi phong trào bị khủng bố, Người đã liên tục báo cáo, gửi thư đề nghị Quốc tế Cộng sản quan tâm hơn nữa tới cách mạng Việt Nam, đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với nhân dân Nghệ Tĩnh.
Trong ảnh là nhân dân Pháp biểu tình phản đối Toàn quyền Robin gây nhiều tội ác ở Đông Dương.
Trong bài viết "Nghệ - Tĩnh Đỏ", Người đã viết: "Nhân dân Nghệ - Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925) Nghệ - Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình.
Từ tháng 5 đến tháng 12, công nhân Nghệ An (Vinh) đã 8 lần bãi công và biểu tình, có 2.500 người tham gia. Cũng trong thời gian đó, 137 cuộc biểu tình đã nổ ra bao gồm tất cả 300.000 nông dân. Thiệt hại: 625 nông dân bị máy bay ném bom và súng máy giết chết, 8 làng bị triệt hạ, hơn 1.000 chiến sỹ bị bắt giam, hàng trăm người bị đem đi đày. Ở cả hai tỉnh, hơn 60.000 nông dân (đàn ông, đàn bà và thanh niên) đã được tổ chức vào Hội.
Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu "Đỏ"!".
Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng các liệt sỹ hi sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tại Nghĩa trang Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), ngày 8/12/1961.
Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng đã chứng minh sức mạnh vùng lên to lớn của nhân dân và đã đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt.
Xô viết Nghệ Tĩnh là dấu mốc đánh dấu việc Đảng ta, một Đảng cách mạng dù còn rất non trẻ lần đầu tiên đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết, huy động quần chúng nhân dân.
Năm 1964, Người ký Lời đề tựa tặng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và căn dặn: "Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An - Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng".