100 đại biểu Quốc hội ở Trung ương được "chốt" tái cử khóa mới
(Dân trí) - Lãnh đạo UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, sau hiệp thương lần 2, 205 người Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đều được tín nhiệm, không có vấn đề, vụ việc cần phải xác minh.
Thông tin này được báo cáo tại Hội nghị hiệp thương lần 3 để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay, 16/4.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, danh sách sơ bộ người ứng cử ở cả Trung ương và địa phương là 1.093 (trong đó Trung ương là 205 người, địa phương là 888 người, trong đó có 75 người tự ứng cử).
Báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú với các ứng viên ở Trung ương, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết 100% cử tri tín nhiệm, không có vấn đề, vụ việc cử tri nơi cư trú nêu cần phải xác minh.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, có 205 ứng viên ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong số này có 46 người là nữ, 20 người dân tộc thiểu số, 4 người ngoài Đảng, 100 người tái cử, 5 người trẻ tuổi, 16 giáo sư, phó giáo sư, 63 tiến sĩ, 94 thạc sĩ và 32 người có trình độ đại học và tương đương.
Từ kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1244 điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương là 205 đại biểu.
Trong đó, các cơ quan Đảng là 11 đại biểu; Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước là 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương) là 130 đại biểu; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và Công an) là 15 đại biểu; lực lượng vũ trang là 14 đại biểu; TAND tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan1 đại biểu; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 29 đại biểu.
Ban đầu, tổng số đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ là 207 nhưng các cơ quan chỉ giới thiệu 205 người ứng cử Quốc hội khóa XV, giảm 2 người so với phân bổ. 2 "suất" giảm này thuộc khối cơ quan Quốc hội.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, có sự điều chỉnh cơ cấu như vậy là vì sau khi làm việc các địa phương, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, UB Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các cơ sở khám chữa bệnh rất quan trọng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay nên UB Thường vụ Quốc hội đã cho giảm 2 "suất" thuộc khối đại biểu chuyên trách ở Trung ương, để tăng đại biểu cho 2 thành phố lớn.
Hà Nội, theo đó, sẽ tăng 1 đại biểu ở Bệnh viện Bạch Mai và TPHCM thêm 1 người ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Dự kiến, lãnh đạo 2 bệnh viện lớn ở 2 đầu đất nước này sẽ được giới thiệu để tham gia Quốc hội khóa mới.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các ứng viên sẽ tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử, thực hiện quyền vận động bầu cử. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7h ngày 22/5).
Sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử đại biểu Quốc hội thông báo cho người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình sắp xếp thời gian về địa phương nơi mình ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử. Người ứng cử ở địa phương nào thì chủ động liên hệ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh nơi đó để biết kế hoạch và lịch tiếp xúc cử tri.