Quá lãng phí!
Quảng Bình là địa phương nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt của dải đất miền Trung. Hễ đến mùa khô, hạn hán kéo dài, nơi đây lại thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Về mùa mưa thường xảy ra lũ lụt, làm cho nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, ô nhiễm nặng. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt là một trong những vấn đề cấp thiết của người dân nơi đây.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh Quảng Bình đã huy động các nguồn vốn để đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng công trình cấp nước cho người dân. Qua quá trình đầu tư và đưa vào sử dụng, bên cạnh các công trình cấp nước đã phát huy hiệu quả thì vẫn còn nhiều công trình với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng không phát huy tác dụng.
Ông Lê Hồng Quân, Trưởng thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch rất bức xúc vì hàng trăm hộ dân thôn này đã nộp tiền lắp đặt hệ thống ống dẫn nước hơn 6 năm nay nhưng vẫn phải dùng nguồn nước nhiễm bẩn
Theo số liệu của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình, hiện tại tỉnh này có hàng chục công trình cấp nước tiền tỉ chưa dùng đã hỏng hoặc không thể đưa vào hoạt động. Đó là các công trình như: Nhà máy nước sạch sinh hoạt Rào Đá ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh; Nhà máy nước Ðại Phong, xã Phong Thủy; Công trình nước sạch xã An Thủy và Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy); Công trình nước sạch Cự Nẫm (huyện Bố Trạch)…
Điển hình cho các công trình “đắp chiếu” là Dự án nhà máy nước sạch sinh hoạt Rào Đá. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 22 tỉ đồng, dự tính khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân của 13 xã thuộc huyện Quảng Ninh. Công trình được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên từ đó đến nay, nhà máy này không một lần đi vào hoạt động, trong khi người dân thuộc diện hưởng lợi từ dự án hiện vẫn phải chịu cảnh dùng nước nhiễm phèn, ô nhiễm để sinh hoạt, ăn uống.
Nhà máy nước sinh hoạt Rào Đá được đầu tư 22 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu” do chưa có hệ thống ống dẫn nước
Hay như Dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt xã Quảng Trung được triển khai xây dựng vào cuối năm 2005. Công trình do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 1 tỉ đồng. Đến tháng 12 năm 2006, công trình được hoàn thành và bàn giao lại cho UBND xã Quảng Trung quản lý. Tuy nhiên, sau khi bàn giao công trình không phát huy tác dụng, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, ô nhiễm.
Nước ở nhà máy nước sạch Quảng Trung cũng bị nhiễm phèn
Vì sao công trình bỏ hoang?
Theo điều tra của phóng viên, nhiều công trình, nhà máy cung cấp nước sạch ở Quảng Bình được thi công rất cẩu thả, chất lượng kém và một số công trình vừa xây xong nhưng do người dân không có nhu cầu sử dụng nên bỏ hoang. Đơn cử như công trình nước sạch sinh hoạt xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy được đầu tư gần 3 tỉ đồng nhưng do người dân không có nhu cầu sử dụng nên sau khi hoàn thành, công trình bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho hay, việc một số công trình cấp nước không phát huy tác dụng hoặc hoạt động kém hiệu quả là do đầu tư theo kiểu phong trào, “xin” dự án mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương và người dân; do chất lượng công trình kém… Ngoài ra, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư không tuân thủ các quy định hiện hành dẫn đến lựa chọn một số đơn vị thi công không đủ năng lực. Do quá trình giám sát lỏng lẻo nên không tuân thủ thiết kế khiến nhiều công trình sau khi đưa vào sử dụng đã bị nứt vỡ, hỏng.
Công trình cấp nước sạch sinh hoạt xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch bỏ hoang hơn 6 năm nay
“Trung tâm sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng tất cả các công trình để từ đó có hướng xử lý, khắc phục theo đúng quyết định 131 của Chính phủ. Theo đó, những công trình đạt tiêu chuẩn theo quy định nhưng hiện đang bỏ hoang thì sẽ khôi phục lại các hạng mục đã hư hỏng để người dân sử dụng nhằm tránh lãng phí”, ông Được khẳng định.
Thiết nghĩ, trước khi triển khai các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, các nhà chức trách tỉnh Quảng Bình cũng như các đơn vị liên quan cần phải có quá trình khảo sát thực tế, tìm hiểu nhu cầu của người dân và có biện pháp quản lý chặt chẽ trong quá trình thi công, nhằm tránh gây lãng phí về kinh tế cũng như gây bức xúc cho người dân.
Đặng Tài - Đăng Đức