Dân cư khu bệnh viện Bạch Mai:
10 năm sống cùng ô nhiễm
(Dân trí) - Nằm quay lưng với xưởng giặt là của bệnh viện Bạch Mai, đã 10 năm qua, gần 30 hộ dân cụm 5 tổ 44 phường Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội đang phải sống chung với bụi khói công nghiệp.
Người dân ngày càng khẳng định có mối liên hệ giữa môi trường ô nhiễm nơi đây với những bệnh hô hấp của hầu hết người già và trẻ nhỏ. Nhiều gia đình đã phải đi tìm chỗ ở mới để cải thiện điều kiện sống của mình.
Khí bụi ô nhiễm bay đầy nhà
Mỗi ngày, xưởng giặt là của bệnh viện hoạt động từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều với công suất hàng ngàn bộ quần áo, chăn màn, đồ dùng y tế. 10 năm trước, số đồ giặt là phơi trắng sân thượng. Từ khi những máy giặt sấy công nghiệp đưa vào hoạt động thì hậu kỳ của các công đoạn chính là khoảng lưu không giữa xưởng với các hộ dân cận kề.
Theo phản ánh của các hộ dân sống nơi này, tất cả các khung cửa sổ hướng phía xưởng giặt là đều bám trắng bụi vải, mặc dù họ vẫn đều đặn lau chùi 3 lần mỗi tuần. Quanh năm cửa đóng then cài nhưng bụi, hơi nước, mùi hóa chất giặt tẩy vẫn vẩn lên trong không khí.
Ông Trần Doãn Hải - chủ số nhà 21, ngõ 15 - vừa chỉ tay vào cánh cửa sổ mới làm thay thế cho cánh cửa chớp vốn không thể ngăn nổi sự xâm nhập của bụi khí, vừa phân trần: “Trước tôi vẫn ngủ trên căn gác xép sát cửa sổ này, nhưng bây giờ thì không thể. Thậm chí, phía phòng ngoài nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy ngạt thở với mùi hăng nồng. Mấy đứa cháu nhỏ của tôi đều phải sang bên nhà ngoại ở”.
Từ sân thượng số nhà 19 nhìn sang những ô-văng phủ dày vẩn bụi của xưởng giặt là, khoảng không mấy mét lưu không nhằng nhịt những ống xả, nồi hơi phả bụi, phun sương mù mịt, hắc sặc. Phía dưới, lớp nước mặt ứ đọng lâu ngày đen ngòm thấm ướt những chân tường rêu mốc. Hơi nước nóng ẩm ngột ngạt.
Bệnh viện - nhà dân: hai đầu… suy nghĩ
Mấy năm qua, người dân có ý kiến rất nhiều với chính quyền, với bệnh viện và với các cơ quan công luận nhưng vẫn chưa nhận được lời phúc đáp trực tiếp từ bệnh viện Bạch Mai. Công văn số 540/BM trả lời lá đơn của UBND phường Phương Mai cũng như Biên bản làm việc giữa Bệnh viện với Sở Tài nguyên, môi trường và nhà đất Hà Nội đều thể hiện rõ quan điểm của lãnh đạo Bệnh viện nhưng tất cả các hộ dân đều chưa một lần được biết.
Phía bệnh viện thì bức xúc với hoạt động cơi nới, mở cửa sổ, làm ô-văng, xả nước thải sinh hoạt vào phần không gian phía trên phần đất của bệnh viện. Vì lý do đó, khoảng không gian vốn từ trước Bệnh viện để cách giữa xưởng giặt và khu tập thể trở nên chật hẹp, thiếu ánh sáng, lưu thông không khí cũng bị hạn chế…
Ông Đặng Ngọc Định, Phó phòng Vật tư phụ trách vấn đề An toàn lao động bệnh viện Bạch Mai cũng lí giải: “Bệnh viện Bạch Mai được phê duyệt nâng cấp tổng thể trong đó có cả hệ thống giặt là. Khi xây dựng xưởng giặt là (1996) đã tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường… Các hộ dân cải tạo, xây dựng nhà 3 - 4 tầng sau khi xây dựng xưởng và không có giấy phép xây dựng nên dân sai là chính”.
Ông Trần Doãn Hải khẳng định nước thải của các hộ dân có đường ống dẫn vào đường cống thoát nước TP. |
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về việc tháo dỡ hai ống xả dẫn bụi thổi sấy lên cao sau một tuần lắp đặt thêm để giảm ô nhiễm trực tiếp vào nhà các hộ dân, ông Định cho biết thêm: “Hệ thống ống dẫn lắp thêm này không phù hợp với thiết kế ban đầu của xưởng giặt là. Vì các ống này không đám bảo công suất xả khiến không khí trong sưởng không thể lưu thông, máy sấy báo động và không thể tiếp tục hoạt động. Chúng tôi vẫn đang tìm giải pháp khác để khắc phục vấn đề này”.
Tuy nhiên, tất cả các hộ dân nơi đây đều khẳng định họ đã ở đây từ những năm 1950 và đều nâng cấp, cải tạo nhà từ 1990 - 1994, trước thời điểm bệnh viện xây dựng xưởng giặt. Nhưng vấn đề chính không phải là bên nào xây dựng trước: “Thậm chí nếu xưởng giặt xây dựng trước thì cũng không có quyền đẩy mọi ô nhiễm, độc hại cho dân. Tại sao bệnh viện là nơi cứu người, bảo vệ sức khỏe cho mọi người mà lại để tình trạng này kéo dài như vậy? Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong bệnh viện có ý kiến và tích cực phối hợp với dân để cả hai bên đều có được môi trường sống, làm việc trong sạch” - ông Nguyễn Khắc Minh (70 tuổi) chủ nhà số 11 bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Hồi (nhà số 17) cũng chỉ rõ ràng những đường ống thoát nước mưa trên mái cũng như nước thải sinh hoạt ở mặt trước tất cả các ngôi nhà dẫn vào đường cống thoát nước của Công ty thoát nước thành phố chứ không hề đổ nước thải ra sau xưởng giặt.
Để có thể giải quyết dứt điểm mâu thuẫn này, thiết nghĩ bệnh viện nên có buổi làm việc trực tiếp với các hộ dân ở đây để đi đến những biện pháp thống nhất, tránh để xảy ra tình trạng hiểu lầm, kiện cáo ảnh hưởng đến cả hai bên.
Nguyễn Hiền - Phương Thảo