1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

1.000 vụ giết người do mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư mỗi năm

(Dân trí) - “Kinh tế, xã hội phát triển nhưng tội phạm lộng hành thì người dân không an tâm. Kinh tế nghèo chút nhưng tội phạm không có thì cuộc sống sẽ bình yên hơn. Do đó thời gian tới phải thực hiện đồng bộ các biện pháp kiềm chế tội phạm”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

 

1.000 vụ giết người do mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư mỗi năm - 1

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và tổng kết năm 2015 của Ban Chỉ đạo 138/CP, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết 5 năm qua tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã được kiềm chế, nhưng có nhiều diễn biến phức tạp về phương thức, thủ đoạn, tính chất và thành phần đối tượng.

Tội phạm có tổ chức diễn biến phức tạp, không chỉ hoạt động phạm tội trong các lĩnh vực hình sự đơn thuần mà chúng cấu kết, đan xen với kinh tế, ma túy, buôn lậu và sử dụng vũ khí nóng. Nhiều băng nhóm tội phạm hình sự đội lốt doanh nghiệp để hoạt động.

Đáng chú ý, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, có nhiều vụ giết người dã man, tàn bạo, giết nhiều người trong gia đình, chặt xác, phi tang gây bức xúc trong dư luận.

Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.000 vụ giết người do mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư, đặc biệt trong đó có khoảng 14-15% là các vụ người thân trong gia đình giết hại nhau, tính chất dã man.

Trong năm 2015, tội phạm giết người được đánh giá là giảm nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng và tính bạo lực hơn; liên tiếp xảy ra các vụ giết nhiều người trong một gia đình, đối tượng gây án hầu hết chưa có tiền án, tiền sự nhưng thực hiện tội phạm rất chuyên nghiệp, dã man, tàn bạo. Điển hình là vụ giết 6 người ở Bình Phước, giết 4 người ở Nghệ An, giết 4 người ở Yên Bái…

Một trong những nguyên nhân được Bộ Công an đúc kết trong báo cáo tổng kết là một số chuẩn mực đạo đức xã hội đã xuống cấp, công chúng mà đặc biệt là lớp trẻ hiện nay đang bị “đầu độc” bởi quá nhiều sản phẩm văn hoá nghe nhìn, giải trí có nội dung kích động bạo lực trên internet, game online…  Do đó cần đề cao vai trò của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá và giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Đồng thời coi trọng vai trò của gia đình, nhà trường, các đoàn thể quần chúng, phát huy tính tích cực của các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.

“Không thể cái này quyết liệt, cái kia lại không quyết liệt”

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Hồng Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - đánh giá tình hình tội phạm diễn ra phức tạp, gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới phi truyền thống cả ở thành thị lẫn nông thôn đã gây tâm lý lo lắng, bất an trong nhân dân. Ở một số nơi chưa làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm. Một số nơi còn nhiều sơ hở, chậm xử lý, khắc phục để tội phạm lợi dụng kẽ hở hoạt động.

 

Ông Lê Hồng Anh yêu cầu mở đợt cao điểm chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự cho Đại hội Đảng và Tết Nguyên Đán. Đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lê Hồng Anh yêu cầu mở đợt cao điểm chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự cho Đại hội Đảng và Tết Nguyên Đán. Đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

Dẫn ra số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy 5 năm qua tỷ lệ khám phá án hình sự đạt 75% nhưng trọng án lại đạt tỷ lệ tới trên 95%, ông Lê Hồng Anh đặt ra một loạt câu hỏi đề nghị các cơ quan liên quan sớm có câu trả lời: “Án nghiêm trọng, phức tạp, khó khăn, tinh vi hơn, sao khám phá được tới 95%, còn án hình sự lại đạt tỷ lệ thấp hơn? Vậy phải chăng chúng ta bỏ qua những vụ án bình thường, hay chúng ta không làm? Nếu án thường chúng ta cũng quyết liệt làm thì tỷ lệ chắc chắn sẽ tăng lên, có phải như thế không? Nếu không phải như thế thì phải quyết liệt mà làm, bởi 25% án không làm là một vấn đề”.

Ông Lê Hồng Anh khẳng định: Không thể cái này quyết liệt, cái kia lại không quyết liệt, dẫn đến tỷ lệ phá án đạt kết quả chưa cao. Đồng thời yêu củng cố lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm, tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm.

“Trước mắt mở đợt cao điểm chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự cho Đại hội Đảng và Tết Nguyên Đán. Đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”- ông Lê Hồng Anh nói.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phòng chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.

“Kinh tế, xã hội phát triển nhưng tội phạm lộng hành thì người dân không an tâm. Kinh tế nghèo chút nhưng tội phạm không có thì cuộc sống sẽ bình yên hơn. Do đó thời gian tới phải thực hiện đồng bộ các biện pháp kiềm chế tội phạm”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an và cơ quan chức năng tăng cường triệt phá các băng nhóm sử dụng vũ khí nóng đang hoành hành tại các địa phương; chặt đứt các đường dây buôn lậu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tội phạm môi trường...

 

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm