Du lịch Huế vẫn tăng trưởng mạnh sau sự cố Formosa

(Dân trí) - Sáng qua (24/11), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp báo giới thiệu chương trình nghệ thuật “Mùa đông xứ Huế”. Trong sự kiện này, đại diện ngành du lịch vui mừng thông báo những con số tăng trưởng đáng mừng của du lịch Thừa Thiên Huế.

Trong khuôn khổ sự kiện này, ông Lê Hữu Minh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Huế cho biết, Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm trong vùng bị ảnh hưởng của sự cố Formosa. Tuy nhiên, so với các tỉnh bạn thì Thừa Thiên Huế không bị thiệt hại quá nặng nề. Những thiệt hại biển của Huế chỉ rơi vào các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ nằm dọc bờ biển. Các doanh nghiệp và dịch vụ khai thác dọc bờ biển này chỉ chiếm 6,6% hệ thống dịch vụ du lịch toàn tỉnh. Vì vậy dù năm 2016, có những sự cố đáng tiếc như vậy nhưng tình hình du lịch của Huế vẫn tăng trưởng.

“Năm ngoái, chúng tôi đạt 3,1 triệu lượt khách, năm nay theo dự báo là 3,3 triệu lượt khách. Như vậy là cả doanh thu lẫn lượng khách du lịch đều tăng. Đây là một điều thực sự rất đáng mừng”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch chia sẻ thông tin. Ảnh: Tùng Long.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch chia sẻ thông tin. Ảnh: Tùng Long.

Theo ông Lê Hữu Minh, để giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trước sự cố Formosa thì từ những ngày đầu tháng 4, khi bắt đầu có sự cố biển, Thừa Thiên Huế đã đưa ra các giải pháp quyết liệt.

Một trong những giải pháp giúp du lịch biển đó là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm khẳng định vùng biển Thừa Thiên Huế vẫn bình ổn. Đó là thông báo đó rất quan trọng vì trước đó truyền thông vẫn khẳng định vùng biển của 4 tỉnh: Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế làm nhiều du khách hoang mang. Giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến và quảng bá du lịch.

“Tổng Cục Du lịch đã rất kịp thời tổ chức các hoạt động để tăng cường xúc tiến quảng bá các hội nghị du lịch về 4 tỉnh miền Trung. Các giải pháp liên tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá là một trong những nhân tố quan trọng giúp Huế sớm khôi phục và bình ổn về thị trường du lịch”, ông Minh nói thêm.

Ông Minh cũng cho rằng, Thừa Thiên Huế đã luôn chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm mới. Năm 2017, Thừa Thiên Huế sẽ tạo ra một loạt sản phẩm du lịch mới. Trước đây, khu di tích Đại Nội đóng cửa hàng đêm thì nay sẽ mở cửa hàng đêm để đón du lịch. Tất cả các hoạt động như: Lục bộ, nhã nhạc cung đình, võ thuật, biểu diễn áo dài, ẩm thực… sẽ hoạt động về đêm trong khuôn viên di tích Đại Nội.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng sẽ giới thiệu địa điểm mới chính là Lăng vua Gia Long. Lăng vua Gia Long là một trong những lăng tẩm triều Nguyễn đẹp tương đương với lăng vua Từ Đức, Khải Định. Đây sẽ là một điểm tham quan cực kỳ hấp dẫn. Bên cạnh đó, để đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế còn chủ trương mở rộng du lịch cộng đồng.

“Hiện nay, cầu ngói Thanh Toàn của chúng tôi đang là một điểm đến rất hấp dẫn. Các điểm du lịch sinh thái cũng đang thu hút khách. Các tour xe đạp, tour vesva… là những tour mới mang đến nhiều hứng thú cho du khách. Đặc biệt, năm 2017, 6 tỉnh miền Trung có đề xuất kiện nghị đó là tất cả các sự kiện này nên ưu tiên đến 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại trong sự cố Formosa”, ông Minh chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, dù Huế không phải là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong sự cố Formosa nhưng có khá nhiều tổn thất. Trong thời gian vừa qua, Tổng Cục Du lịch cùng các tỉnh Bắc Trung Bộ thực hiện một loạt các giải pháp để phục hồi và kích cầu du lịch cho Thừa Thiên Huế.

“Tôi cũng xin vui mừng báo một thông tin mà Tổng Cục Thống kê vừa cung cấp cho tôi đó là lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2016 đạt 926.642 lượt, tăng 14,1% so với tháng 10/2016 và tăng 24,9% so với tháng 11/2015. Và khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng vừa qua đạt 9.004.039 lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015. Khách nội địa ước đạt 57,7 triệu lượt, trong đó có 27,1 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng của năm 2016 đạt 368.600 tỉ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là một tin rất vui”, ông Tuấn nói.

Du khách vẫn đổ về Huế sau sự cố môi trường biển. Ảnh: TL.
Du khách vẫn đổ về Huế sau sự cố môi trường biển. Ảnh: TL.

Ông Đinh Mạnh Thắng – Chủ tịch Hiệp hội DL Huế cũng cho biết, trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật “Mùa đông xứ Huế” sẽ diễn ra vào ngày 14, 15, 16/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội – mở màn cho chuỗi các chương trình nghệ thuật đặc biệt tôn vinh lịch sử - văn hoá – con người các địa phương trên cả nước tới đây sẽ có Lễ hội ẩm thực và xúc tiến quảng bá du lịch Huế với nhiều hoạt động hấp dẫn. Cụ thể, hoạt động ẩm thực với các món ăn đặc sắc, tinh túy của xứ Huế đã được công nhận kỷ lục châu Á và Việt Nam như: Bún bò Huế, bánh Khoái, bánh Bèo, bánh Nậm, bánh Lọc, chè hạt sen… Tại các gian hàng cũng sẽ có quảng diễn và phục vụ Cơm Hến, nem Huế, chè Huế…và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, các đặc sản Huế như Tôm chua, mè xửng…

Theo ông Thắng thì quy mô lễ hội ẩm thực lần này không phải lớn nhưng sẽ đảm bảo đúng quy trình ẩm thực Huế, không làm tràn lan. BTV sẽ làm ở quy mô sân vườn với 12 gian hàng. Các món ăn do các chuyên gia là đầu bếp 4 – 5 sao từ Huế ra Hà Nội để phục vụ, trong đó có cả nghệ nhân ẩm thực của Huế. BTC quan tâm nhất là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có thể đảm bảo được các yếu tố đó, BTC chuyển nguyên liệu hàng ngày ra bằng máy bay và bảo quản bằng máy đông lạnh chuyên dụng…

Trong không gian Lễ hội sẽ có không gian văn hoá đặc trưng của Huế với các loại hình âm nhạc, trúc chỉ (Hải Bằng), sưu tập diều của nghệ nhân Hoàng (không thể biểu diễn vì không có không gian, chủ yếu trưng bày loại hình tiêu biểu), Hoa giấy Thanh Tiên (nơi có võ vật làng Sình), lồng đèn cổ kính…

Hà Tùng Long