1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Xây dựng luật vì hơn 20 triệu dân cần dịch vụ công tác xã hội”

(Dân trí) - “Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có tới 25 % dân số, tương đương hơn 20 triệu người, cần sử dụng ngay các dịch vụ công tác xã hội. Nhu cầu sẽ phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, chúng ta cần tính tới việc xây dựng bộ luật về lĩnh vực công tác xã hội”.


Đối tượng yếu thế trong xã hội cần sự trợ giúp của đội ngũ nhân viên CTXH

Đối tượng yếu thế trong xã hội cần sự trợ giúp của đội ngũ nhân viên CTXH

MỜI BẠN ĐỌC ĐẶT CÂU HỎI VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU TRỰC TUYẾN "NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI: HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ TẠI VIỆT NAM" TẠI ĐÂY

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với báo giới về đề xuất chủ trương xây dựng Luật công tác xã hội (CTXH) trong thời gian tới.

Thưa ông, lý do gì để chúng ta có thể thời điểm này là lúc thích hợp để tính tới việc xây dựng Bộ luật về công tác xã hội?

- Nhu cầu về dịch vụ CTXH đã có từ rất lâu ở Việt Nam. Đặc biệt những năm gần đây, Bộ LĐ-TB&XH thống kê có khoảng 25% dân số có nhu cầu ngay về dịch vụ CTXH.

Cụ thể, các đối tượng cần sự trợ giúp của nhân viên CTXH như gồm 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% hộ gia đình nghèo, hơn 180.000 người bị nhiễm HIV được phát hiện…

Hoạt động CTXH không chỉ cần cho đối tượng yếu thế. Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người dân ai đều có nhu cầu cần tới dịch vụ này.

“Đã đến lúc, một số quan hệ xã hội trong lĩnh vực công tác xã hội cần được nâng lên và điều chỉnh bằng pháp luật để định hướng xã hội, để có tiêu chí và những người hành nghề đó có vị trí xứng đáng trong xã hội” - ông Hà Đình Bốn nói.

Tại Việt Nam, việc hình thành luật công tác xã hội đã tới thời điểm chưa? Tôi cho rằng luật pháp phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng quốc gia, đất nước. Các nước phát triển đã có.

Tới thời điểm này, chúng ta nhận thấy cần thiết phải có luật công tác xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và xu thế hòa nhập, hội nhập khu vực và quốc tế.

Vậy tới nay, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan tới lĩnh vực công tác xã hội ở Việt Nam ra sao, thưa ông?

Vụ Pháp chế đã chủ trì một cuộc rà soát hệ thống pháp luật từ năm 1945 đến nay. Kết quả cho thấy, trong hệ thống pháp luật VN hiện nay chưa có một đạo luật riêng biệt, rành mạch quy định về hoạt động này.

Hy hữu, các quy định nếu có chỉ nằm rải rác ở các luật về lĩnh vực trẻ em, hôn nhân và gia đình, không mang tính tác động trực tiếp. Các quy định này chủ yếu có tính bổ trợ và suy diễn để áp dụng trong lĩnh vực công tác xã hội.

Xét về góc độ pháp lý, quy định rõ ràng nhất về nghề CTXH mới ở cấp thông tư của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ cũng mới quy định chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm của nhân viên CTXH.

Còn văn bản pháp lý cao nhất hiện nay vẫn là quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH được ban hành năm 2010. Nhưng chỉ là quyết định cá biệt, còn cần tổ chức để triển khai.

Vậy khi đề xuất về mô hình dự án luật Công tác xã hội, chúng ta dự kiến đưa các nhóm chính sách nào vào, thưa ông?

- Việc xây dựng cần phải tính tới công tác đánh giá những tác động và chính sách. Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập một nhóm nghiên cứu về đề án xây dựng luật CTXH.

Tôi cho rằng sẽ có một số nhóm chính sách sau được xem xét để đưa vào dự án Luật, gồm:

"Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý tới nhóm chính sách quy định về hiệp hội những người làm công tác xã hội và đào tạo công tác xã hội; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thực hành cung cấp dịch vụ công tác xã hội..." - ông Hà Đình Bốn nói.

Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của cá nhân thực hành nghề công tác xã hội. Nhóm chính sách này quy định điều kiện, tiêu chuẩn của cá nhân thực hành CTXH, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội, quy định đội ngũ người làm CTXH chuyên nghiệp, bảo đảm về số lượng, chất lượng đáp ứng đòi hỏi.

Nhóm thứ 2 là các chính sách quy định điều kiện, thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Nhóm này quy định hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH phù hợp với các đối tượng có nhu cầu trong xã hội. Quy định điều kiện bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện CTXH.

Quy định tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Nhóm này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về cung cấp dịch vụ CTXH bảo đảm chất lượng trong tất cả các lĩnh vực liên quan theo các tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH…

Xin cảm ơn ông

Hội thảo - giao lưu trực tuyến: “Nghề Công tác xã hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý tại Việt Nam”.

Chương trình do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Báo điện tử Dân trí tổ chức vào hồi 14h30 ngày 13/9 tại trụ sở Báo điện tử Dân trí.

Khách mời tham dự chương trình gồm:

- Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).

- Bà Vũ Thị Lệ Thanh, Chuyên gia về Bảo vệ Trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

- Bà Nguyễn Thị Thái Lan - Giảng viên Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

- Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp).

Chương trình là dịp để các chuyên gia bàn luận sâu hơn về các vấn đề của nghề Công tác xã hội, là dịp để dư luận xã hội, các cơ quan chức năng và bạn đọc có cách nhìn đồng thuận trong việc tìm ra những giải pháp hiệu quả xây dựng hành lang pháp lý của lĩnh vực công tác xã hội.

Trân trọng kính mời bạn đọc quan tâm về nghề công tác xã hội nói chung cũng như việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho nghề công tác xã hội tại Việt Nam, gửi câu hỏi TẠI ĐÂY hoặc theo địa chỉ email: hoangmanh@dantri.com.vn

Các câu hỏi sẽ được khách mời trả lời trực tiếp tại chương trình Giao lưu ngày 13/9.

Phạm Minh