1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thủ tục khám và thông tuyến khám chữa bệnh hiện hành ra sao?

Tôi đang chuẩn bị tham gia BHYT, nhưng chưa hiểu rõ về quy định về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và thông tuyến khám chữa bệnh. Kính đề nghị BHXH VN giải thích? Một bạn đọc ở Kiên Giang gửi câu hỏi tới Bảo hiểm xã hội VN.

Bảo hiểm xã hội VN trả lời:

Về đăng ký KCB ban đầu

a) Đối với cơ sở KCB BHYT ban đầu là tuyến xã, tuyến huyện

Người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện, không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b) Đối với cơ sở KCB BHYT ban đầu là tuyến tỉnh, tuyến TW

- Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở tuyến xã, tuyến huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc KCB ban đầu theo quy định của Giám đốc Sở Y tế sau khi có sự thống nhất với Giám đốc BHXH tỉnh;

Đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ BHYT
Đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ BHYT

- Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến TW (trừ phòng khám thuộc Ban BVCSSKCB) do Giám đốc Sở Y tế quy định sau khi có sự thống nhất với Giám đốc BHXH tỉnh;

c) Đăng ký KCB ban đầu của một số đối tượng:

Ngoài các cơ sở KCB BHYT nêu trên, còn được đăng ký KCB ban đầu như sau:

- Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khoẻ theo Hướng dẫn số 52 HD/BTCTW: Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Thống Nhất, tp. HCM hoặc cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến TW (trừ Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh);

- Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh: phòng khám Ban BVSKCB tỉnh hoặc cơ sở KCB tuyến tỉnh;

- Người có công với cách mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên: cơ sở KCB tuyến tỉnh (trừ phòng khám Ban BVSKCB tỉnh); tuyến TW (trừ Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Thống Nhất, tp. HCM);

- Trẻ em dưới 6 tuổi: một số bệnh viện tuyến tỉnh, bao gồm: BVĐK tỉnh; BVĐK hạng I, hạng II thuộc các Bộ, Ngành; Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh; BVĐK tư nhân tương đương hạng I, tương đương hạng II;

- Người công tác trong quân đội khi nghỉ hưu: Bệnh viện hạng II thuộc Bộ Quốc phòng, Bệnh viện quân - dân y hạng II, các cơ sở KCB khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng, Viện YHCT Quân đội, các cơ sở KCB khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo: một cơ sở KCB thuận lợi nhất trên đất liền nếu trên các xã đảo, huyện đảo không có cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh, TW.

Các trường hợp thông tuyến KCB

- Người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.

- Từ ngày 01/01/2016, người có thẻ BHYT tự đi KCB tại bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc;

- Từ ngày 01/01/2021, người có thẻ BHYT tự đi KCB nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc;

- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo khi tự đi KCB không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến TW.

(Điều 22 Luật BHYT và Thông tư số 40/2015/TT-BYT hướng dẫn đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT)

H.M tổng hợp