1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hoá: Đầu tư hơn 260 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(Dân trí) - Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Thanh Hóa là đào tạo nghề cho 356.860 lao động nông thôn. Trong 10 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hơn 260 tỷ đồng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa có 91 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2018, có 211.828 người được tuyển sinh đào tạo nghề.

Trong đó lao động nông thôn, người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 21.144 người. Tổng số lao động nông thôn, người khuyết tật được hỗ trợ học nghề xong có việc làm là 18.758 người (đạt 88,7%).

Thanh Hoá: Đầu tư hơn 260 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn - 1
Từ năm 2016 - 2018, tổng số lao động nông thôn, người khuyết tật được hỗ trợ học nghề xong có việc làm là 18.758 người (đạt 88,7%).

Qua 6 tháng đầu năm 2019 có 29.255 người được tuyển sinh đào tạo nghề. Trong đó lao động nông thôn, người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 1.277 người.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã duy trì và nhân cấy mới được 36 nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động (với 29 nghề truyền thống và 9 nghề mới), 125 làng nghề tiểu thủ công nghiệp.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2010 - 2019 đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho 64.405 lượt cán bộ, công chức cấp xã.

Dân số của tỉnh Thanh Hóa hiện nay là hơn 3,6 triệu người; dân số trong độ tuổi lao động hơn 2,4 triệu người. Cơ cấu lao động chia theo nhóm ngành kinh tế năm 2018: Nông - lâm nghiệp thủy sản 40%; công nghiệp - xây dựng 32%; dịch vụ 28%.

Bồi dưỡng các chương trình Bí thư, Phó bí thư, trưởng các đoàn thể; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND; kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo cho 13.973 lượt cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo chức danh, vị trí việc làm cho 18.692 lượt công chức chuyên môn cấp xã.

Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2010 - 2019 là gần 266 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là hơn 208 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Thanh Hóa là gần 41 tỷ đồng và nguồn khác là hơn 16,7 tỷ đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng dạy học cho người dạy nghề; bồi dưỡng kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và người dạy nghề trên địa bàn.

Hiện tại có 39 nghề, nhóm nghề nông nghiệp và 55 nghề, nhóm nghề công nghiệp - xây dựng - tiểu thủ công nghiệp, 21 nghề dịch vụ được phê duyệt trong danh mục nghề đào tạo và được phê duyệt định mức chi phí đào tạo.

Mô hình điển hình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay như: Nghề may công nghiệp; trồng nấm; trồng lúa năng suất cao, sản xuất rau an toàn...

Dự kiến giai đoạn 2019 - 2020, lao động có việc làm qua đào tạo toàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 2,2 triệu người.

Thanh Hoá: Đầu tư hơn 260 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn - 2
Dự kiến giai đoạn 2019 - 2020, lao động có việc làm qua đào tạo toàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 2,2 triệu người.

Hạn chế được chỉ ra trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là do các Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện chưa được bố trí biên chế chuyên trách công tác đào tạo nghề mà chỉ kiêm nhiệm nên khó khăn trong việc triển khai các hoạt động của đề án.

Đồng thời, việc phối hợp giữa Phòng LĐ-TB&XH và Phòng NN&PTNT cấp huyện chưa được chặt chẽ, một số huyện thành lập thêm ban chỉ đạo đào tạo nghề nông nghiệp trong khi đã có ban chỉ đạo thực hiện đề án cấp huyện do Phòng LĐ-TB&XH làm cơ quan thường trực, dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ...

Trong năm 2019, dự kiến tổng số lao động nông thôn ở Thanh Hoá được tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp là 71.380 người. Trong đó, lao động nông thôn, người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo tạo dưới 3 tháng là 5.425 người. Năm 2020, tổng số lao động nông thôn được tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp là 74.127 người.

Duy Tuyên