Nghề... "mót" than trôi ở Quảng Ninh

Hằng năm vào mùa mưa, hàng trăm người dân sống gần khu suối Hóa Chất, phường Cẩm Phú (TP Cẩm Phả) lại đổ xô đi mót than trôi. Bất chấp nguy hiểm, dầm mình cả ngày dưới dòng nước lẫn than đen kịt, thế nhưng nhiều người vẫn ngày đêm mưu sinh với công việc cực nhọc này...

Nghề... "mót" than trôi ở Quảng Ninh - 1

Nghề... "mót" than trôi ở Quảng Ninh


Vào mùa mưa, nước cuốn theo dòng than trên các khai trường đổ xuống suối trở thành “phù sa” nuôi sống không ít người.

Vào mùa mưa, nước cuốn theo dòng than trên các khai trường đổ xuống suối trở thành “phù sa” nuôi sống không ít người.

Sau vài trận mưa lớn những ngày giữa tháng 8, vùng mỏ Cẩm Phả lại trải qua thời tiết nắng nóng gay gắt. Dòng suối Hóa Chất kéo dài hơn 1,7km đổ ra biển, nước vẫn chảy một màu đen như than. Dòng suối này có chức năng tiêu nước lũ cho 3 mỏ lộ thiên của ngành Than gồm: Cao Sơn, Đèo Nai và Cọc Sáu. Vì thế, vào mùa mưa hằng năm, nước mưa cuốn theo dòng than trên các khai trường đổ xuống suối trở thành “phù sa ” nuôi sống không ít người bám nghề đãi “vàng đen” nơi đây.

Mới 7h, bầu không khí đã nóng hầm hập. Phía dưới dòng suối, vài người đãi than đã bắt đầu công việc của mình. Trong tiếng máy nổ rầm rầm, khó khăn lắm chúng tôi mới trò chuyện được với anh Nguyễn Văn Bảy, quê ở Thái Bình.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi, anh tâm sự về công việc của mình: “Tranh thủ những ngày nông nhàn, tôi ra Cẩm Phả kiếm thêm thu nhập. Một ngày công sàng than, sục ống bơm cũng được 200.000 đồng. Nhưng chỉ làm được mấy tháng mùa mưa, chứ mùa khô thì chịu, than không có nên hầu như không ai làm cả”.

Đi sâu vào khu dân cư, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Tuyết (85 tuổi), khu 6B, phường Cẩm Phú - người một thời từng gắn bó với việc đãi than. Với những người dân quanh đây, nghề đãi than là những ký ức cơ cực không thể nào quên. Ông Tuyết chia sẻ, công việc này đã xuất hiện ở đây từ hàng chục năm nay, trước đây than chảy ở suối nhiều lắm, nhà nào cũng quang gánh, bao tải kéo nhau ra dòng suối đãi than kiếm thêm thu nhập.


Chân của những người vớt than lem luốc, thường xuyên bị nấm, nước ăn.

Chân của những người vớt than lem luốc, thường xuyên bị nấm, nước ăn.

“Có năm mưa lớn kéo dài, than trên núi chảy xuống suối nhiều vô kể, tôi huy động cả chục anh em ở quê ra đây đãi than bán. Giờ than trôi ngày càng ít, số người đi đãi thưa hẳn so với trước đây. Nghề này vất vả, nặng nhọc, nhiều khi phải đánh đổi cả tính mạng của mình. Tôi nhớ, cách đây hơn chục năm, suối Hóa Chất đã xảy ra trường hợp lũ bất ngờ cuốn trôi 1 người đi đãi than. Sau trận lũ cuốn đó, nhiều người vớt than đã cảnh giác hơn, nhưng số ít vẫn bất chấp dòng nước lũ nguy hiểm tiếp tục vớt than” - ông Tuyết nói khi tay chỉ về phía đoàn người đang mò mẫm dưới dòng suối Hóa Chất.


Những người đãi vàng đen phải thường xuyên ngâm mình trong dòng nước than đen ngòm.

Những người đãi "vàng đen" phải thường xuyên ngâm mình trong dòng nước than đen ngòm.

Ăn vội vàng bữa cơm trưa, hơn 13h, công nhân Bùi Văn Hùng (huyện Tiên Yên) lại chạy ra suối trầm mình xuống dòng nước nóng như rang tiếp tục công việc mót than. Giống như nhiều người ở đây, cuộc mưu sinh mót than trôi của anh Hùng chỉ thật sự bắt đầu tính vào mùa mưa bão cho đến hết tháng 9 hằng năm. Những tháng đó, bất kể dù nắng hay mưa ngày nào anh Hùng cũng ra suối tìm mót than. Thất nghiệp, không có việc làm nên anh đành chấp nhận làm cái nghề bạc bẽo này.

Nghề... "mót" than trôi ở Quảng Ninh - 5

Rít sâu một hơi thuốc lào, người vẫn còn ướt sũng từ đầu đến chân, ngồi dựa mình bên gốc cây cạnh con suối, anh Hùng ngậm ngùi nói: “Làm nghề mót than, chúng tôi phải chấp nhận sống chung với nguy hiểm. Mưa bão đáng lẽ phải ở trong nhà tránh trú, nhưng ngược lại, chúng tôi phải tranh thủ ra suối vớt than.

Những ngày đầu khi mới bước chân vào làm, chưa quen việc lúc nào tay chân cũng bị trầy xước, chảy máu, ngứa ngáy, bị nước ăn... Ám ảnh lớn nhất là lần tôi bị cả kim tiêm cắm sâu vào lòng bàn chân, phải nghỉ cả tháng điều trị mới dám xuống nước đi làm lại”.

Trước đây, người dân sống hai bên bờ suối Hóa Chất đãi than chủ yếu bằng phương pháp thủ công, nhưng nay đã có công cụ máy bơm, máy sàng hỗ trợ thêm, công việc đỡ vất vả hơn. Mặc dù vậy nhưng anh Hùng và nhiều người khác ở đây lúc nào cũng phải dầm mình dưới con suối bùn tanh nồng nặc, hì hục dùng cây, tay đảo đều than dưới đáy để máy bơm hút được nhiều than hơn...

Vất vả, nguy hiểm, thậm chí làm quần quật cả ngày trời nhưng tính ra thu nhập của họ trung bình được khoảng 200.000-300.000 đồng/người/ngày. Có tháng mưa ít, lòng suối khô cạn khan hiếm than, nhóm công nhân ở đây lại xoay việc khác kiếm sống qua ngày.

Nghề... "mót" than trôi ở Quảng Ninh - 6

Tranh thủ những lúc nông nhàn, người lao động từ các địa phương khác ra Cẩm Phả kiếm thêm thu nhập.

Theo ông Nguyễn Thế Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Phú, từ lâu dòng suối này đã có rất nhiều người mưu sinh bằng công việc đãi, vớt than từ trên các mỏ trôi xuống. Những người làm công việc này chủ yếu thuộc diện thất nghiệp hoặc công nhân ngành Than mất sức lao động nghỉ hưu sớm. Mùa vớt than của họ thường kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9 hằng năm. Đa số đều tranh thủ thời gian làm thêm kiếm ít thu nhập trang trải cuộc sống. Lượng than mà họ vớt chủ yếu là than bùn nhưng mỗi ngày lại ít dần đi.

Bởi hiện nay, trên đầu nguồn con suối, ngành Than đã xây dựng các đập chắn, hố lắng hạn chế lượng than trôi. Để việc vớt than ở suối không làm ảnh hưởng đến dòng chảy tiêu nước lũ, phường cũng đã yêu cầu các hộ làm công việc này ký cam kết trong quá trình vớt than không làm ảnh hưởng đến dòng chảy, sạt lở hai bờ và môi trường xung quanh. Những trường hợp cố tình vi phạm chính quyền địa phương sẽ nhắc nhở xử lý nghiêm.

Cuộc sống cứ thế trôi, mỗi mùa mưa đến người ta lại bắt gặp hình ảnh những người lao động đến đây dầm nước vớt than kiếm thêm thu nhập với mong muốn về một cuộc sống khấm khá hơn...

Theo Phạm Tăng - Dương Hà/Báo Quảng Ninh