1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Một số lao động VN tại Malaysia thiếu kỷ luật

Đa số các vụ tranh chấp lao động, đình công của VN tại Malaysia... đều xuất phát từ ý thức kỷ luật kém.

Luật Lao động Malaysia không cho phép lao động nước ngoài vi phạm một trong 16 điều cấm kỵ ở nước này, đó là đình công.

Thế nhưng, dù đã nắm rõ quy định tự ý nghỉ việc quá 3 ngày không có lý do là phạm luật, sẽ bị trục xuất về nước, nhưng rất nhiều trường hợp, lao động VN đã lạm dụng đình công để đòi hỏi quyền lợi không chính đáng.

Quạt không mát, đình công!

Nửa đêm, chuông điện thoại của ông Mai Viết Khai, Trưởng Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia, reo dồn dập. Từ đầu dây bên kia, một lao động VN từ Johor Batu than thở: “Chú ơi, mấy chú đến đây giúp chúng cháu với, quạt ở đây bị hỏng, nóng lắm!”. “Chuyện nhỏ như con thỏ” ấy bỗng dưng trở thành chuyện lớn. Vài ngày sau, ông Khai nghe tin nhóm lao động nói trên đình công vì quạt không mát, nhưng chủ doanh nghiệp không chịu sửa.

Có trường hợp một nữ công nhân VN léng phéng với bạn trai, có thai. Nữ công nhân kia bị đuổi về nước và chủ doanh nghiệp thuê lao động phải bỏ tiền ra lo chi phí đi lại. Sau đó, chủ doanh nghiệp này ra quy định nội bộ: Sẽ giữ lại một phần tiền của các nữ công nhân, đề phòng cá nhân nào vi phạm tương tự sẽ dùng tiền của chính người đó để chi phí. Nếu chấp hành tốt nội quy, trước khi hết thời hạn về nước sẽ được hoàn trả đầy đủ. Thế là nữ lao động VN tại nhà máy kia đồng loạt phản đối, nghỉ việc hàng loạt. Chủ doanh nghiệp phải bỏ nội quy trên.

Biết sai vẫn nghỉ

Ông Đoàn Kiến Trung, Phó Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia VN, Đại sứ quán VN tại Malaysia, còn kể một chuyện “cười không nổi” về tình trạng đình công tự phát của lao động VN tại Malaysia.Có một nhóm lao động VN đang làm việc cho một nhà máy ở Penang ăn thịt chó, bị ngộ độc và chủ doanh nghiệp phải đưa đi bệnh viện để rửa ruột. Thấy những người bị ngộ độc, nằm viện không đi làm, tất cả lao động còn lại cũng giả vờ đau bụng và nghỉ việc. Bị đơn đặt hàng thúc tới chân, chủ doanh nghiệp phải cầu cứu Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia. Khi ông Trung đến nơi thì thấy nhiều lao động vờ đau bụng để đình công nhưng lại đi siêu thị chơi.

Trả lời ông Trung vì sao đình công, những người này nói: “Tụi em biết là sai, nhưng thấy mấy người kia nghỉ nên tụi em cũng... nghỉ theo!”. Một mặt thuyết phục người lao động trở lại làm việc cho đúng luật, một mặt ông Trung đứng ra xin lỗi chủ doanh nghiệp, đề nghị “bỏ qua” vì chủ doanh nghiệp dọa sau khi làm xong đơn đặt hàng thì sẽ cắt hợp đồng với nhóm lao động kia.

Lao động làm thuê đòi... đổi chủ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia, cho biết, suốt 2 tuần cuối tháng 11 cùng các cán bộ của ban vất vả giải quyết một vụ đình công mà nó không đáng xảy ra, dính dáng đến chuyện “phòng the” của lao động nữ. Ở Penang, 4 nữ lao động VN cố tình phạm luật, đưa bạn trai vào khu lưu trú nữ để “tâm sự”. Chủ doanh nghiệp cho người theo dõi và nhiều lần bắt quả tang, cảnh cáo nhưng tình hình vẫn không thay đổi.

Bị kiểm tra, 4 nữ lao động này vận động 36 nữ lao động còn lại cùng viết đơn, yêu cầu chủ doanh nghiệp “không được kiểm tra sau 22h vì đụng chạm quyền tự do cá nhân”. Chủ doanh nghiệp Malaysia vẫn kiên quyết, nhóm công nhân này bèn nghĩ ra kế liên lạc Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia, tố cáo rằng họ đã “bị chủ đánh dập mông, tức ngực”. Ban cử ngay cán bộ đi xác minh thực tế, đến nơi, một số nữ công nhân vạch mông, ôm ngực, nói rằng đã bị hành hạ. Làm việc với cán bộ của ban, chủ lao động phủ nhận điều này, nói rằng sẵn sàng đưa công nhân đi bệnh viện khám. Nếu có chuyện đánh đập, gây thương tích... thì chủ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Không một nữ công nhân nào dám đi khám vì chính họ đã thổi phồng sự việc. Hết cách, nhóm công nhân này lại viết thêm một lá đơn, yêu cầu... đổi chủ doanh nghiệp.

Ông Đoàn Kiến Trung nói: "Sự việc trên chứng tỏ trình độ nhận thức của lao động chúng ta còn kém. Vai trò của Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia là bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng phải là quyền lợi hợp pháp và chính đáng. Tình trạng đình công vô lối, tùy thích của người lao động VN tại Malaysia là khá phổ biến, làm sụt giảm sức cạnh tranh của lao động chúng ta tại thị trường này".

Theo Người Lao Động