Đồng bằng sông Cửu Long thiếu trầm trọng bác sĩ chuyên ngành hiếm

13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều có trung tâm pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành pháp y; 8 bệnh viện (BV) lao và bệnh phổi, nhưng nhiều BV chỉ có từ 1-5 bác sĩ chuyên ngành…

Thăm khám cho bệnh nhân mắc lao. Ảnh minh họa
Thăm khám cho bệnh nhân mắc lao. Ảnh minh họa

Tại hội nghị “Đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL mở rộng năm 2018” tổ chức tại Cần Thơ vào chiều 7/8, nhiều tỉnh trong vùng phản ánh thiếu trầm trọng bác sĩ chuyên ngành hiếm và xin thêm chỉ tiêu đào tạo các chuyên ngành này.

Hiện nay 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có 160 BV đa khoa tuyến huyện, đa khoa khu vực, đa khoa tỉnh và BV chuyên khoa, trong đó có 21 BV phục vụ 5 chuyên ngành hiếm là lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh.

Thống kê của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho thấy, cả 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều có trung tâm pháp y, nhưng lại chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành pháp y, còn lại bác sĩ các chuyên khoa khác. 8 BV lao và bệnh phổi đi vào hoạt động từ lâu, nhưng số bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh trung bình chỉ có từ 1-5 bác sĩ. Phần lớn các tỉnh không đủ nhân lực bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ chuyên ngành ung bướu của BV tỉnh.

Theo tính toán, nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm của vùng ĐBSCL là khoảng 250 bác sĩ/năm, trong đó, ngành hiếm có nhu cầu cao nhất là lao, ngành có nhu cầu thấp hơn là giải phẫu bệnh và pháp y. Từ năm 2015, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã xin Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cho phép đào tạo 5 ngành hiếm mỗi năm 150 chỉ tiêu theo địa chỉ sử dụng và phân bổ đều theo nhu cầu các tỉnh.

Thế nhưng, trên thực tế vẫn thiếu nhân lực y tế 5 ngành hiếm và cả bác sĩ chuyên khoa khác. Tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ/vạn dân của một số tỉnh còn thấp.

Lý giải cho thực trạng thiếu hụt này, nhiều tỉnh cho rằng một số bác sĩ đến tuổi về hưu, một số thì bỏ việc, trong khi nguồn nhân lực ngành hiếm lại khó tuyển dụng, dẫn đến tình trạng nhiều năm nguồn nhân lực ngành hiếm thiếu trước hụt sau.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang, An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng... đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và Trường đại học Y dược Cần Thơ cho các tỉnh thêm từ 1-4 chỉ tiêu/năm đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng các chuyên ngành hiếm.

Các tỉnh cũng kiến nghị nhà trường thời gian tới tiếp tục duy trì các chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng các chuyên ngành hiếm; tăng chỉ tiêu đào tạo và hạ điểm chuẩn trúng tuyển ở một số ngành đào tạo liên thông, địa chỉ sử dụng; ưu tiên các tỉnh khó khăn, khó thu hút bác sĩ, dược sĩ về công tác.

PGS.TS. Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết: Trước khi phân bổ chỉ tiêu, trường đã trực tiếp làm việc và thống nhất với từng tỉnh. Chỉ tiêu có được dựa vào quy định của Bộ, năng lực đào tạo của trường, kể cả số lượng thí sinh thi, kết quả điểm thi... Trường khó có thể tăng thêm chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, những thí sinh dự tuyển vào trường có điểm thi từ 21,5 điểm trở lên có thể chuyển sang học theo diện đào tạo địa chỉ sử dụng của tỉnh, mặc nhiên tỉnh này được thêm chỉ tiêu.

Dự kiến, từ năm 2016-2020, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ sẽ đào tạo cho khu vực ĐBSCL 1.253 bác sĩ 5 chuyên ngành hiếm. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho các tỉnh trong 4-5 năm, đảm bảo hoạt động cho các lĩnh vực chuyên ngành hiếm.

Riêng năm 2018, trường sẽ đào tạo cho 13 tỉnh 242 chỉ tiêu ở 5 chuyên ngành hiếm, trong đó, Kiên Giang nhiều nhất với 35 chỉ tiêu, tiếp đến là Đồng Tháp với 28 chỉ tiêu, An Giang ít nhất với 9 chỉ tiêu.

Theo Chinhphu.vn