1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cơ sở khám chữa bệnh BHYT thiếu huyết thanh kháng độc tố bạch cầu, vì đâu?

(Dân trí) - Liên quan tới tình trạng nhiều cơ sở khám chữa bệnh không đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT mắc bệnh bạch hầu, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội VN) để làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa ông, thời gian qua có một số cơ sở khám, chữa bệnh phản ánh tình trạng thiếu thuốc có tính chủ chốt để điều trị dứt điểm cho người bệnh BHYT, trong đó có bệnh bạch hầu. Vậy thực trạng này ra sao, thưa ông?

- BHXH Việt Nam cũng nhận được phản ánh của người bệnh về việc một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) không cung ứng đủ thuốc để điều trị cho người bệnh. Đặc biệt là việc thiếu thuốc kháng bạch cầu (huyết thanh kháng bạch hầu) tại Bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Sau khi có phản ánh của báo chí, chúng tôi đã cho kiểm tra trực tiếp tại Bệnh viện Nhiệt Đới thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Kết quả cho thấy có tình trạng thiếu thuốc kháng bạch hầu tại 2 nơi này.

Cơ sở khám chữa bệnh BHYT thiếu huyết thanh kháng độc tố bạch cầu, vì đâu? - 1

Việc các cơ sở khám, chữa bệnh không cung ứng đủ thuốc là vi phạm quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 21 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT.

Về trường hợp thiếu thuốc bạch hầu, xin được nói rõ thêm: Để điều trị bệnh bạch hầu trước hết phải sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch cầu kết hợp với một số kháng sinh để chống nhiễm khuẩn. Loại huyết thanh này có trong danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả.

Như vậy, huyết thanh kháng bệnh bạch hầu đã có trong danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả, nhưng các cơ sở lại thiếu huyết thanh để sử dụng cho người bệnh, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân, trong đó hàng đầu là công tác tiêm phòng trên toàn quốc thời gian qua khá tốt nên số bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu đã giảm rất nhiều tại Việt Nam. Nhiều địa phương không ghi nhận trẻ em mắc bệnh bạch hầu trong vài năm trở lại đây.

Cơ sở khám chữa bệnh BHYT thiếu huyết thanh kháng độc tố bạch cầu, vì đâu? - 2
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Mặt khác, thuốc bạch hầu hiện khá đắt, đòi hỏi điều kiện bảo quản nghiêm ngặt và thời hạn sử dụng không dài. Vì vậy, nhiều bệnh viện không dự trù vào kế hoạch đấu thầu mua sắm loại thuốc này (trừ các bệnh viện truyền nhiễm).

Đồng thời, một số công ty dược phẩm cũng không muốn dự thầu cung ứng thuốc với số lượng nhỏ.

Những điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc như trên.

Mặc dù thuốc điều trị bạch hầu không nằm trong kế hoạch đấu thầu mua sắm, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn có cách để tìm nguồn thuốc khi cần, thưa ông?

- Đúng như vậy. Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 21 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, cơ cở khám, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm cung ứng thuốc, hóa chất vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đó, các cơ sở y tế có thể thực hiện mua sắm thuốc bằng nhiều hình thức theo quy định của Luật đấu thầu, Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế công lập.

Sở Y tế TP HCM đã phê duyệt kế hoạch mua sắm huyết thanh khách bạch hầu

Qua trao đổi, ông Lê Văn Phúc cho biết thêm, theo báo cáo của BHXH Thành phố HCM, hiện tại Sở Y tế đã phê duyệt kế hoạch mua sắm huyết thanh kháng bạch cầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn năm giúp các bệnh nhân có thuốc điều trị. BHXH Đà Nẵng cũng đã trao đổi với Sở Y tế để hướng dẫn Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng thực hiện các thủ tục để mua sắm thuốc kịp thời và đúng quy định.

“BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chỉ đạo các đơn vị, địa phương đảm bảo cung ứng, thanh toán chi phí phí thuốc kịp thời đầy đủ, không để tình trạng người bệnh thiếu thuốc điều trị, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu, dịch bệnh” - ông Lê Văn Phúc cho biết.

Trường hợp các thuốc không trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung, đơn cử như thuốc bạch hầu, các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Hình thức này có thể thực hiện nhanh để đảm bảo kịp thời có thuốc để điều trị cho người bệnh.

Cơ quan BHXH luôn thực hiện thanh toán kinh phí mua thuốc cho người có thẻ BHYT khi các thuốc đó được mua sắm và chỉ định cho người bệnh đúng quy định.

Vậy, ông có đề xuất gì nhằm khắc phục tình trạng nêu trên để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT?

- Trước hết, các cơ sở khám chữa bệnh phải xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc sát với số lượng sử dụng, mô hình bệnh tật, kể cả các thuốc ít sử dụng nhưng cần thiết để điều trị trong một số trường hợp, như: Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, rắn cắn, dại…

Trường hợp cấp bách, cần báo cáo Sở Y tế để được hướng dẫn, phê duyệt các hình thức mua sắm phù hợp, kịp thời có thuốc điều trị.

Theo tôi, Bộ Y tế cần quy định cơ chế riêng để mua sắm các thuốc điều trị trong trường hợp hiếm gặp nhưng rất cần thiết. Nếu thuốc đó được sử dụng và có trong danh mục thuốc BHYT, cơ quan BHXH sẽ thanh toán, nếu thuốc đó dự trù nhưng không sử dụng và hết hạn thì ngân sách nhà nước đài thọ.           

Về phía BHXH Việt Nam, ngay khi nhận được được thông tin phản ánh từ báo chí, chúng tôi đã chỉ đạo BHXH TP HCM và Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh để cung ứng đủ thuốc điều trị bạch hầu cho người bệnh.

Đồng thời, BHXH Việt Nam đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh có các giải pháp cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh BHYT.

BHXH Việt Nam yêu cầu đảm bảo việc cung ứng thuốc được đầy đủ, kịp thời tới người bệnh BHYT.

Liên quan tới sự việc trên, BHXH VN đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành chủ động phối hợp với Sở Y tế tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn có ngay các giải pháp cung ứng đủ, kịp thời thuốc điều trị cho người bệnh BHYT, đặc biệt đối với các trường hợp cấp cứu, dịch bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người.

Đồng thời giải thích để người bệnh yên tâm điều trị, không phải bỏ về vì bệnh viện không làm tròn trách nhiệm cung ứng thuốc như một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu mà báo chí đã nêu.

BHXH các tỉnh, thành cần có ngay văn bản đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện nghiêm trách nhiệm cung ứng thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh đúng quy định, tuyệt đối không để thiếu hoặc yêu cầu người bệnh phải tự mua các loại thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được quỹ BHYT chi trả.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện