DMagazine

(Dân trí) - “Cải cách tiền lương của công chức và viên chức đã khó, cải cách lương hưu còn gian nan hơn nhiều, nhất là cân đối lương hưu và người đương chức… ” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trăn trở.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cải cách chính sách tiền lương cần hợp lòng dân” - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cải cách chính sách tiền lương cần hợp lòng dân”

“Cải cách tiền lương của công chức và viên chức đã khó, với lương hưu còn gian nan hơn nhiều, nhất là việc cân đối lương của người hưu trí và người đương chức… ” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trăn trở.

Sáng 6/3, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị xây dựng thể chế năm 2020. Nhiều vấn đề có tính chất then chốt trong lộ trình xây dựng chính sách pháp luật về an sinh xã hội của ngành LĐ-TB&XH được đặt ra.

Năm 2020: 96 đề án xây dựng thể chế

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao và hoan nghênh công tác thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu đã triển khai nhịp nhàng, hiệu quả.

Năm 2020: Xây dựng 96 văn bản pháp luật trong ngành LĐ-TB&XH

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong 4 năm qua, về cơ bản, các đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật đúng tiến độ và chất lượng. Thông qua đó, ngành đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý để vận hành thị trường lao động và hội nhập…”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cải cách chính sách tiền lương cần hợp lòng dân” - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Đồng thời, Bộ cần chuẩn bị dự thảo 14 Nghị định liên quan tới Bộ Luật lao động 2012 (sửa đổi), 1 dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 8 Thông tư. Tất cả phải trình trước 15/11/2020 để cơ quan có thẩm quyền xem xét và ban hành có hiệu lực từ 1/1/2021. Như vậy, thời gian từ nay tới lúc trình chỉ còn 8 tháng…”.

Đặc biệt trong năm 2019, công tác xây dựng thể chế được đánh giá là một trong 3 điểm đột phá lớn nhất của ngành LĐ-TB&XH. Theo đó, nhiều kết quả thực hiện đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao. 

“Chủ tịch Quốc hội từng khẳng định, một số vấn đề còn được coi như dấu ấn lịch sử của ngành trong công tác tham mưu với Đảng và Nhà nước. Đơn cử như Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi) với các nội dung về tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cải cách chính sách tiền lương cần hợp lòng dân” - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà tới hộ nghèo tại Hà Nam

Trong năm 2020, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH xác định khối lượng xây dựng thể chế khá lớn với 96 đề án, gồm: 1 dự án luật; 1 hồ sơ gia nhập công ước ; 46 nghị định, quyết định, báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 23 Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng và 25 đề án trong chương trình dự bị của Bộ. 

Trong đó có nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như: Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), dự thảo đề án gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, dự án pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cải cách chính sách tiền lương cần hợp lòng dân” - 4

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ VN tới thăm tình hình phòng chống Covid-19 tại Thái Nguyên.

Đòi hỏi thấu tình đạt lý

Với hàng loạt các vấn đề về xây dựng thể chế của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2020, Bộ trưởng lưu ý tới những điểm chính như: Chính sách tiền lương trong doanh nghiệp, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, cải cách tiền lương của người nghỉ hưu, tiêu chí giảm nghèo bền vững, định hướng phát triển ngành…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cải cách chính sách tiền lương cần hợp lòng dân” - 5

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thăm cơ sở cai nghiện ma tuý tại Tây Ninh

“Đơn cử như việc cải cách tiền lương. Với công chức, viên chức đã khó, cải cách tiền lương đối với người nghỉ hưu còn khó hơn nhiều” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

“Trong xây dựng chính sách cần lưu ý việc đánh giá tác động. Nếu không làm tốt điều này, chúng ta sẽ không tìm ra điểm mới và điểm cần bổ sung. Đặc biệt khi đánh giá tác động cần quan tâm tới những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý. 

Theo đó, cơ quan quản lý cần đánh giá tác động khi xây dựng chính sách nhằm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội, thu hút ngân sách đầu tư thêm, giải quyết bài toán lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995, xử lý bất cập giữa thời điểm nghỉ hưu và cách áp dụng mức tính lương hưu.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng chính sách giảm nghèo bền vững cần tiếp cận những tiêu chí mới, những yêu cầu hội nhập và cam kết mà Việt Nam tham gia như EVFTA, CPTTP.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cải cách chính sách tiền lương cần hợp lòng dân” - 6

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và chính quyền địa phương tới thăm hỏi hộ gia đình chính sách tại Tây Ninh

Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý tới các vấn đề nền tảng phát triển của ngành LĐ-TB&XH, như: Việc xây dựng chiến lược phát triển của ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045; công tác dự báo thị trường lao động, hình thành thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và phát triển hội nhập.

Với những “điểm nghẽn” của ngành, Bộ trưởng lưu ý việc đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính từ nay tới năm 2025 là: Xây dựng một thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, hiện đại và hội nhập.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cải cách chính sách tiền lương cần hợp lòng dân” - 7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết tới các cháu thiếu nhi dịp Tết Canh Tý

Coi trọng vai trò của công tác truyền thông

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đơn cử: “Câu chuyện về xây dựng Luật Lao động vừa qua là một dẫn chứng cụ thể. Sự tham gia nhiệt tình và hiệu quả của các cơ quan tuyên truyền đã giúp tạo sự đồng thuận xã hội và các đại biểu Quốc hội thông qua với kết quả cao. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá trong việc trước, trong và sau khi xây dựng chính sách nói chung”.

Đồng thời, việc xây dựng chính sách dài hạn về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và lao động việc làm, xây dựng chính sách sử dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý công tác phát triển bao trùm bền vững, trong đó xây dựng chính sách đối với người yếu thế. Đặc biệt là những tác động của Công nghiệp 4.0 đối với người yếu thế ra sao?

Mặc dù nhiệm vụ xây dựng thể chế nặng nề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vẫn khẳng định lại cam kết trước đó: “Từ 1/1/2021, khi Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi) có hiệu lực, tất cả các văn bản dưới luật liên quan đều có hiệu lực”.

Không coi nhẹ công tác tổ chức thực hiện chính sách

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: “Trong chuyến đi thực tế vừa qua, có những địa phương còn tồn đọng tới 435 hồ sơ đề nghị xác nhận người có công. Trong đó có những hồ sơ vướng mắc về pháp lý nhưng cũng có hồ sơ không vướng về pháp lý. Chủ yếu là vướng về công tác tổ chức thực hiện. Địa phường còn lúng túng trong triển khai sau hàng chục năm”.

Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định: “Nhiều trường hợp vướng mắc ở trong công tác triển khai và tư duy cứng nhắc của người thực hiện. Nếu cứ cứng nhắc trong việc thực hiện pháp luật thì chúng ta sẽ không thể giải quyết được 6.000 hồ sơ tồn đọng trong việc xác nhận người có công trong 4 năm qua? Đó là sự linh hoạt xử lý. Pháp luật là hành lang cơ bản, bên cạnh đó cần vận dụng linh hoạt các văn bản dưới luật...”.

Nội dung: Hoàng Mạnh

Video: Quý Đoàn

Ảnh: Quý Đoàn, Mạnh Dũng, Trọng Giáp, Xuân Hinh