1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ LĐ-TB&XH giải thích về việc tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc

(Dân trí) - Liên quan tới ý kiến của đại biểu quốc hội tại Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tại một số địa phương thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH vừa có trả lời chính thức.

Theo đó, kể từ tháng 8/2012, Việt Nam đã không ký được Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Do tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước cao (lên đến 55% vào cuối năm 2011, đầu năm 2012).

Sau thời gian triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ngày 17/5/2016, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký bản MOU bình thường, chính thức nối lại việc phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sau gần 4 năm bị gián đoạn.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước vẫn còn ở mức cao, số lao động cư trú bất hợp pháp của Việt Nam vẫn chưa giảm nhiều như mong muốn của ta và Hàn Quốc.


Lao động VN chờ xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động VN chờ xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

Theo số liệu thống kê đến đầu tháng 4/2017, số lao động Việt Nam theo Chương trình EPS cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 15.091 người, chiếm tỷ lệ 37% tổng số lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc. Trong khi đó, tỷ lệ chung lao động EPS cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của các nước khác là 13,9%.

Để phát triển bền vững thị trường lao động này, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ, phối hợp với phía Hàn Quốc tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiều chính sách, biện pháp nhằm giảm lao động bất hợp pháp theo lộ trình và mục tiêu mà hai bên đã thống nhất tại MOU bình thường, như: Ký quỹ trước khi đi, tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý lao động tại Hàn Quốc, hỗ trợ người lao động tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tuyển chọn lao động đối với những địa phương có tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc, v.v…

Trong đó, chính sách hạn chế tuyển chọn lao động đối với một số địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc là điều kiện quan trọng để phía Hàn Quốc ký lại bản MOU bình thường với Việt Nam ngày 17/5/2016.

Theo yêu cầu của phía Hàn Quốc, hàng năm, hai bên sẽ rà soát tình hình, số liệu lao động cư trú bất hợp pháp của các quận/huyện/ thị xã/thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam theo lộ trình và mục tiêu nêu trong MOU

Căn cứ vào số liệu này, phía Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam tạm dừng tuyển chọn lao động mới (người lao động chưa từng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS) trong thời gian 1 năm tại những địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp cao hơn mức cam kết trong MOU.

Theo yêu cầu đó của phía Hàn Quốc, ngày 28/3/2017, Bộ đã có văn bản số 1147/LĐTBXH-QLLĐNN thông báo việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên trong số các quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% thuộc 12 tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc.

Riêng đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016 (huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và huyện Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh; huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình), trên cơ sở đề xuất của phía Việt Nam, Hàn Quốc nhất trí không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong ngành ngư nghiệp năm 2017 đối với các địa phương này, tương tự như năm 2016.

Việc tạm dừng này chỉ áp dụng với lao động mới. Những lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn và người lao động ở lại bất hợp pháp nhưng đã tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 01/4/2016 đến hết ngày 31/12/2016 dù thuộc các địa phương bị tạm dừng nêu trên vẫn được tiếp tục đăng ký thi tiếng Hàn để quay lại làm việc tại Hàn Quốc.

Do vậy, việc ban hành văn bản tạm dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương nêu trên của Bộ LĐ-TB&XH chỉ là việc thông báo ý kiến của phía Hàn Quốc về tiêu chí, đối tượng và phạm vi tuyển chọn theo Chương trình EPS năm 2017.

Đồng thời, việc này nhằm đảm bảo việc đăng ký tuyển chọn lao động tại các địa phương được thực hiện một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh sự lãng phí cho các địa phương và cho bản thân người lao động.

Việc tạm dừng nêu trên cũng chỉ áp dụng với đối tượng lao động theo Chương trình EPS, không ảnh hưởng tới việc đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình lao động kỹ thuật (visa E7) và thuyền viên tàu cá (visa E10).

Đến nay, tại Hàn Quốc có 48.000 lao động Việt Nam đang làm việc, trong đó có 40.415 lao động làm việc theo Chương trình EPS. Riêng năm 2016, Việt Nam đã đưa được 6.161 lao động sang Hàn Quốc theo bản MOU bình thường, trong đó có 4.833 lao động đã về nước đúng thời hạn hợp đồng và được quay lại theo hợp đồng mới.

Hoàng Mạnh