1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

An Giang: Săn chuột đồng mùa lũ

Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi, khi các cánh đồng đã phủ một màu trắng xóa là thời điểm các hoạt động mưu sinh diễn ra hết sức sôi nổi và nhộn nhịp. Ngoài giăng lưới, đặt lờ, đặt lọp... người dân còn có thêm thu nhập từ nghề săn bắt chuột đồng.

Đủ cách bắt chuột

Những năm gần đây, nghề săn chuột đồng trong mùa nước nổi dần trở thành “nghề tay trái” của nhiều lao động, từ đó giúp tăng thêm thu nhập trong lúc rảnh rỗi. Nghề bắt chuột tuy có thể làm quanh năm nhưng sôi nổi nhất là vào mùa lũ.

Mùa nước nổi, các cánh đồng đều bị ngập nước, chuột không còn nơi để trú ẩn, thường dồn lên các gò cao để sinh sống. Do vậy, việc săn bắt rất dễ dàng với số lượng nhiều hơn.

Theo ông Ngô Văn Linh (ngụ xã An Phú, Tịnh Biên), có nhiều cách để bắt chuột, như: dùng chĩa đâm, nạng thun bắn những con đang ẩn nấp trên cây.

Hay phổ biến nhất là đào hang, đổ nước, xông khói bắt những con chuột đang ở trong hang ở các gò đất cao... Tuy nhiên, cách săn chuột độc đáo nhất là giậm cù.


Chuột đồng trở thành một trong những đặc sản miên quê

Chuột đồng trở thành một trong những đặc sản miên quê

“Nước lên cao, chuột sẽ quy tụ về những gò đất cao, bụi rậm để trú ngụ. Bà con thường gom lại từng nhóm 4-5 người rồi dùng lưới để bao bọc xung quanh.

Sau đó, cho người vào trong lưới để đuổi. Chuột nghe động sẽ chạy tán loạn rồi dính vào lưới. Lúc này, chỉ cần dùng tay là có thể bắt được những con béo ú. Cách làm này bắt được rất nhiều chuột, một gò đất có thể bắt được hàng trăm con chuột.

Ngoài ra, người ta còn dùng bẫy bằng sắt, đặt theo các bụi cỏ, đống cây trên gò. Bẫy thường được đặt vào ban đêm, sáng sớm đến gỡ.

Để đặt bẫy, người ta thường sử dụng mồi là cua (đã lột mai), bắp, dưa leo... Do nước lên nên nguồn thức ăn bị khan hiếm, chuột thấy mồi là chui vào ăn liền” - ông Linh cho hay.

Cải thiện thu nhập trong mùa lũ

Thịt chuột vài năm trở lại đây trở thành món ăn đặc sản đồng quê, nên rất nhiều người sắm đồ nghề lùng sục khắp các cánh đồng để săn bắt chuột.

Theo anh Nguyễn Văn Phong (một trong những thợ săn chuột ở thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn), mỗi ngày đặt bắt và thu mua của các hộ lân cận rồi vận chuyển xuống huyện Châu Thành để bán lại. Mỗi chuyến từ 50 - 100kg (tùy thời điểm). Hiện nay, chuột còn sống được thương lái thu mua với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg.

An Giang: Săn chuột đồng mùa lũ - 2

Việc săn bắt chuột không những mang lại thu nhập cho những người làm nghề, mà còn là cơ hội cho những thương lái chuyên thu mua chuột để bán lại.

Anh Thắng (một chủ vựa thu mua chuột, ngụ ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết, mỗi ngày, anh đến xã Vĩnh Bình (Châu Thành) để mua chuột của người dân địa phương rồi vận chuyển về TP. Cần Thơ để phân phối lại. Trung bình mỗi ngày, anh thu mua của người dân từ 200 - 400kg chuột, thời điểm hút hàng, mỗi ngày anh thu mua khoảng 1 tấn.

“Chuột tập kết ở đây được thu gom từ khắp nơi trong tỉnh, trong đó nhiều nhất là ở Vĩnh Gia, Châu Thành, kênh Tám Ngàn. Chuột nhiều nhất là vào vụ lúa và mùa lũ. Nhưng hiện nay, nhiều nơi đã làm 3 vụ lúa, nên chuột hầu như có quanh năm” - anh Thắng cho hay.


Chuột đồng trở thành một trong những đặc sản miên quê

Chuột đồng trở thành một trong những đặc sản miên quê

Ngoài ra, nghề làm thịt chuột có được nguồn thu nhập ổn định trong dịp này. Tại chợ chuột lớn nhất miền Tây (chợ Phù Dật, xã Bình Long, Châu Phú), người làm công được chủ trả từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày (tùy theo công việc). Phụ nữ, trẻ em phụ trách việc làm thịt chuột, cánh nam giới lo vận chuyển, khuân vác... nhờ vậy ai cũng có công ăn việc làm.

Nghề săn chuột đồng hiện nay đang được xem là nghề “tay trái”, vừa giúp cho bà con lao động có thêm thu nhập lúc nông nhàn, vừa góp phần bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, việc săn chuột có nhiều hệ lụy như: người dân vô tư đào hang tại các bờ đê, bờ ruộng, về lâu dài, loại hình săn bắt này sẽ dẫn đến việc hủy hoại các bờ đê, gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân.

Theo Đình Đức/Báo An Giang