Phần mềm quản lý phòng máy Internet miễn phí

Được VNG cung cấp miễn phí trong suốt 6 năm qua, CSM - phần mềm quản lý phòng máy giúp tiết kiệm cho xã hội và cộng đồng gần… 330 tỷ đồng so với mua phần mềm bản quyền từ nước ngoài.

Thế nhưng, đó chỉ là “phần nổi của tảng băng”, bởi những điều mà CSM làm được còn quan trọng hơn thế: những giá trị không đo đếm được bằng tiền...
 
Tiền công của… nhân viên miễn phí?
 
Nếu vào thời điểm năm 2002 phần lớn các phòng Internet tại Việt Nam còn đang sử dụng cách tính tiền thủ công và trung bình mỗi phòng máy phải thuê từ 1 tới 2 nhân sự quản lý thì sự xuất hiện của phần mềm quản lý phòng máy Easy Café có xuất xứ từ nước ngoài đã hỗ trợ phần nào cho các ông chủ trong việc quản lý máy trạm. Tuy nhiên phần mềm này lại phải mua bản quyền với giá 30 USD/máy!
 
Nắm bắt được nhu cầu, một số cá nhân và công ty đã bắt tay ngay vào việc viết phần mềm quản lý phòng máy như NetCafe, CSM, v.v… Trong số đó thì CSM do tác giả Trần Đình Đức tự nghiên cứu và phát triển cùng công ty Đan Thanh tỏ ra nổi trội hơn hẳn do các tính năng đã khá đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu như quản lý doanh thu, dịch vụ, lợi nhuận, quản lý hội viên, khách vãng lai…. Tuy nhiên, sau khi ra đời, CSM được bán với giá bản quyền sử dụng khoảng 100 ngàn VNĐ/máy. Việc được thương mại hóa mà không có một hệ thống phân phối đủ mạnh đã cản trở CSM tới rộng rãi trong cộng đồng, chỉ thu nhỏ trong quy mô truyền miệng. Thời gian này, mới khoảng 100 phòng máy trong khu vực TP HCM biết đến danh tiếng của “anh nhân viên tự động” CSM.

Phần mềm quản lý phòng máy Internet miễn phí - 1

Mọi việc đã thay đổi khi VNG quyết định mua lại bản quyền CSM và mời luôn tác giả Trần Đình Đức về làm việc để phát triển phần mềm CSM, phát hành miễn phí phần mềm này trên toàn quốc. Sự kiện này đã tạo bước ngoặt quan trọng đối với CSM bởi đây chính là món quà vô cùng giá trị mà VNG tặng cho cộng đồng. Với chất lượng được cải tiến bằng tác giả và đội ngũ cộng sự chuyên nghiệp tại VNG, với cách phân phối, hỗ trợ người dùng chu đáo của một công ty Internet, CSM từ một phần mềm quy mô nhỏ đã phát triển với cấp số nhân qua từng năm. Các phiên bản mới luôn được nghiên cứu, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Từ khoảng 100 phòng máy năm 2005, tới nay CSM đã được sử dụng tại 25.000 phòng máy, chiếm 90% tổng số phòng máy trên toàn quốc, tương đương khoảng 550 ngàn máy trạm.
 
Bây giờ, thử đặt lại một con toán: với 550.000 máy tính, thay vì sử dụng CSM mà mua phần mềm quản lý phòng máy của nước ngoài với giá 30USD/máy thì tổng cộng người dùng Việt Nam tốn… 330 tỷ đồng. Còn nếu tính CSM với giá 100.000 VNĐ/máy như lúc nó chưa thuộc sở hữu VNG, thì với 550.000 máy, phần mềm này “đòi” tiền công đến 55 tỷ đồng!
 
Tất nhiên, với 6 năm qua, do không chỉ bó gọn trong các tiệm Internet, cũng như với việc các phòng máy và các đời máy phải thay đổi, số máy mà CSM đã phục vụ sẽ không chỉ là 550.000 máy.
 
Những giá trị không tính được bằng tiền
 
Theo thống kê năm 2010 của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen, số người sử dụng Internet tại Việt Nam đã lên tới 31 triệu người. Trong đó lượng truy cập tại các điểm Internet công cộng chiếm 21%, với 50% số lượng sử dụng Internet dưới 27 tuổi. 35% trong số 50% người sử dụng Internet trên là học sinh, sinh viên những người còn đang ở độ tuổi định hình tính cách và cần sự quản lý giáo dục của gia đình. Điều dễ nhận thấy rằng phần lớn các bạn học sinh, sinh viên thường chọn phòng máy Internet là nơi giải trí game, trao đổi thông tin, kết bạn, tán gẫu với bạn bè trên mạng. Một số bạn trẻ vì tò mò, nghe lời bạn xấu đã lén lút truy cập các trang web đen, đồi trụy, có văn hóa không phù hợp với người Việt Nam, dẫn tới lâu ngày tư tưởng bị lệch lạc, có biểu hiện bệnh tâm sinh lý bất ổn định. Bài toán quản lý an ninh mạng này đã làm đau đầu nhiều ngành chức năng trong các năm qua với mục tiêu biến các điểm truy cập Internet đều là những điểm văn hóa lành mạnh, giới hạn độ tuổi truy cập cũng như nội dung truy cập không lành mạnh.

Phần mềm quản lý phòng máy Internet miễn phí - 2

Sự xuất hiện của CSM đã không chỉ giúp phòng máy tiết kiệm chi phí, nhân lực mà còn giúp chủ phòng máy cùng cơ quan chức năng hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực từ Internet. Hàng loạt các tính năng cúa CSM như lọc web đen, chống keyloger, lưu giữ thông tin người dùng như CMND, địa chỉ, lịch sử đăng nhập đã giúp phần nào giải quyết bài toán khó khăn trên. Bên cạnh đó CSM đã giúp hạn chế phần nào vấn nạn tấn công botnet gây tắc nghẽn trên mạng khi ngày càng có nhiều đại lý Internet bị hacker lợi dụng mà thông tin về người dùng ẩn danh không được ghi nhận.
 
Việc đưa phần mềm CSM đến với cộng đồng là một trong những động thái tích cực mà VNG muốn đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp nội dung số. CSM đã nhận được sự chia sẻ và đồng thuận của rất nhiều đối tác uy tín. Vào năm 2007, thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM – thư viện đầu tiên tại Việt Nam được VNG cài đặt Phần mềm CSM miễn phí đã ứng dụng khá thành công phần mềm này trong hệ thống quản lý của mình. Giám đốc Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TPHCM Hoàng Thị Thục bày tỏ: “CSM là một phần mềm thừa hưởng tất cả tính năng ưu việt của các phần mềm quản lý phòng máy hiện nay và được bổ sung thêm một số ưu điểm khác, giúp chúng tôi đưa bạn đọc đến với kho tàng kiến thức theo một phương thức khoa học và hiệu quả nhất”.
 
Với vai trò là một nhân viên kiêm bức tường lửa bảo vệ an ninh mạng “miễn phí”, 6 năm qua CSM đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc hỗ trợ phòng máy Internet nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm chi phí, nhân lực đồng thời giúp giữ gìn một môi trường Internet “sạch” theo đúng chủ trương của Đảng và nhà nước. Trong tương lai gần, CSM đang phấn đấu trở thành một cổng thông tin giải trí, đưa các dịch vụ giải trí của VNG đến với phòng máy bằng hình thức cập nhật tự động, và tính năng Disk Protection - bảo vệ ổ cứng bằng cách đóng băng nhưng lại cho phép ghi “xuyên băng” khi phòng máy cập nhật những dịch vụ giải trí Internet cần thiết.
 
Với những đóng góp của mình, CSM đã không chỉ nhận được sự ủng hộ của người dùng mà mới đây, phần mềm quản lý phòng máy chuyên nghiệp CSM do Vinadata – đơn vị trực thuộc VNG - đầu tư và phát triển đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo thông tư 02/2005 và công văn số 2520/BBCVT-VT của Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) về hướng dẫn thực hiện thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet. Thông qua việc này, xác nhận phần mềm CSM hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất theo quy định pháp luật đối với một phần mềm quản lý phòng máy, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho các đại lý cũng như khách hàng có nhu cầu sử dụng phần mềm CSM.